Ấn Độ, Pháp và UAE: Lộ trình hợp tác đầy tham vọng

Trong bối cảnh thế giới chứng kiến những bất ổn địa chính trị mới, Ấn Độ, Pháp và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa thiết lập một sáng kiến ​​hợp tác 3 nước trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ, năng lượng và chống biến đổi khí hậu, đồng thời vạch ra một lộ trình để thực hiện sáng kiến ​​này.
Năng lượng xanh là một trong những lĩnh vực trọng tâm 3 nước hợp tác. Ảnh: PTI
Năng lượng xanh là một trong những lĩnh vực trọng tâm 3 nước hợp tác. Ảnh: PTI

Ưu tiên quốc phòng

Trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm với nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai của mình là Pháp và UAE.

Tuyên bố chung ngày 4-2 cho biết, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và hai người đồng cấp là Catherine Colonna của Pháp và Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan của UAE đã xác định rằng quốc phòng là lĩnh vực hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước. Theo Reuters, đây là cuộc điện đàm thứ 2 sau cuộc thảo luận bên lề Đại hội đồng LHQ tại New York diễn ra vào tháng 9 năm ngoái. Tuyên bố công bố một lộ trình hợp tác đầy tham vọng này nhấn mạnh: “Các nỗ lực sẽ được thực hiện để thúc đẩy hơn nữa khả năng tương thích, cùng phát triển và hợp tác sản xuất, đồng thời tìm kiếm các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác và đào tạo giữa các lực lượng quốc phòng của 3 nước”.

Theo kế hoạch, 3 bên cũng nhất trí triển khai các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân, cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương. Vì mục đích này, 3 nước sẽ khám phá khả năng hợp tác với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) để theo đuổi các dự án cụ thể, khả thi về năng lượng sạch, môi trường và đa dạng sinh học. Hiệp hội là diễn đàn khu vực quy tụ đại diện chính phủ, doanh nghiệp và giới học thuật đến từ Nam Phi, Ấn Độ, Mauritius, Australia, Indonesia, Sri Lanka, Malaysia, Tanzania và một số quốc gia khác.

Để hỗ trợ những nỗ lực này, một loạt sự kiện sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Chủ tịch G20 của Ấn Độ và việc đăng cai COP-28 của UAE vào năm 2023. 3 nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác thông qua các sáng kiến ​​như Liên minh Rừng ngập mặn vì khí hậu do UAE đứng đầu và Đối tác Công viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Ấn Độ và Pháp đứng đầu.

Vai trò của các dự án bền vững

Ấn Độ, Pháp và UAE cũng nhất trí tăng cường hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực an ninh lương thực và kinh tế tuần hoàn; cam kết tập trung vào các vấn đề chính như ô nhiễm từ nhựa sử dụng một lần và sa mạc hóa. Theo tuyên bố, sáng kiến này sẽ đóng vai trò là nền tảng để mở rộng hợp tác giữa các cơ quan phát triển của 3 nước trong các dự án bền vững, bên cạnh việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các chính sách kinh tế, công nghệ và xã hội với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 nhằm chống biến đổi khí hậu, đẩy nhanh các hành động cũng như đầu tư cần thiết cho một tương lai carbon thấp bền vững.

Theo Indian Express, là những quốc gia đi đầu trong đổi mới công nghệ, 3 nước sẽ tìm cách tăng cường trao đổi quan điểm về các mối đe dọa mới nổi từ các bệnh truyền nhiễm, cũng như về các biện pháp chống lại đại dịch trong tương lai. Về vấn đề này, sự hợp tác trong các tổ chức đa phương như WHO, Gavi - Liên minh Vaccine, Quỹ Toàn cầu và Unitaid sẽ được khuyến khích.

Bên cạnh đó, vai trò của mối quan hệ xã hội và con người cũng được ghi nhận. Ấn Độ, Pháp và UAE sẽ đảm bảo rằng sáng kiến ​​ba bên sẽ được tận dụng như một nền tảng để thúc đẩy hợp tác văn hóa, thông qua một loạt dự án chung, bao gồm cả việc thúc đẩy và bảo vệ di sản.

Tin cùng chuyên mục