Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết: Theo sách Đại Nam thực lục chính biên ghi nhận 190 năm trước, vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mạng năm thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định thành, lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên, trong đó đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh” gồm: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất An Giang nhiều lần sáp nhập, chia cắt địa giới hành chính, thay đổi tên gọi khác nhau như: Châu Đốc, Long Xuyên, Long Châu Hậu, Long Châu Tiền, Long Châu Hà, Long Châu Sa, An Giang, Châu Hà. Đến năm 1976, tỉnh An Giang được tái lập đến nay.
Với vị trí địa đầu biên giới Tây Nam, đầu nguồn của dòng Cửu Long, gần 100km tiếp giáp với Campuchia, An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo. An Giang luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá, anh hùng và cách mạng, quê hương cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng kính mến.
“Nhìn lại chặng đường 190 năm hình thành, phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang luôn tự hào và mãi ghi ơn các bậc tiền nhân đã khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất An Giang. Đây là dịp để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn quá trình hình thành, những giá trị và đóng góp của An Giang trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước”, ông Lê Hồng Quang .
Hội thảo nhận được sự tham gia hưởng ứng sâu rộng của các ngành, các cấp, các địa phương trong và ngoài tỉnh. Số lượng bài viết nhiều, nội dung phong phú, thể loại đa dạng, có sự đầu tư công phu, có hàm lượng khoa học khá cao. Ban Tổ chức đã chọn 96/167 bài tiêu biểu, phù hợp chủ đề, có hàm lượng khoa học cao để phục vụ đại biểu.