Ngày 12-4, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA) quyết định nâng mức độ nguy hiểm sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 từ cấp độ 5 lên cấp độ 7, là mức cao nhất, tương đương mức độ nguy hiểm của thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Dù NISA cho rằng mức rò rỉ phóng xạ ở Fukushima-1 chỉ bằng 1/10 lượng phóng xạ ở Chernobyl nhưng với việc nâng mức độ nguy hiểm này, cùng với việc liên tiếp xảy ra những trận động đất 6-7 độ richter trong vài ngày qua ở Nhật Bản (vụ động đất mới nhất mạnh 6,3 độ richter khiến ít nhất 6 người chết), người dân các nước lại càng tỏ rõ thái độ gay gắt hơn với kế hoạch phát triển nhà máy điện hạt nhân của nước mình. Bài viết trên trang EUObserver cho thấy, không chỉ có Nhật Bản mà người dân các nước đang đặt nhiều dấu hỏi với những nhà quản lý nhà máy điện hạt nhân của nước mình.
Một tháng trước, khi tình hình nhà máy hạt nhân Fukushima bắt đầu được nói đến, người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới ngay lập tức đã xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ nước họ dừng lại cuộc chạy đua điện hạt nhân.
Tại Nhật Bản, 17.500 người ở thủ đô Tokyo hồi cuối tuần qua đã xuống đường biểu tình, yêu cầu Công ty điện lực Chubu Electric Power ngừng các hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, tại quận Shizuoka vì không ai biết được liệu những trận động đất xảy ra trên nước Nhật sắp tới có ảnh hưởng đến nhà máy này hay không. Họ đồng loạt kêu gọi không cần sự xuất hiện của nhà máy điện hạt nhân.
“Bóng ma” nỗi lo phóng xạ lan sang cả các nước châu Âu, khiến chính trường của những nước này phải dậy sóng. Hai câu hỏi lớn được đặt ra đối với lãnh đạo các nước châu Âu hiện nay là các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu có an toàn, có nên từ bỏ cuộc đua năng lượng hạt nhân hay không? EUObserver đã nhắc đến việc kể từ khi sự cố ở nhà máy Fukushima-1 xảy ra, 53% người dân Đức đòi bỏ ngay nhà máy điện hạt nhân chứ không phải đợi đến năm 2021 như thỏa thuận mà Quốc hội nước này và chính phủ của ông Gerhard Schroder đưa ra năm 2000.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Tây Ban Nha. Thủ tướng Zapatero từng hứa từ bỏ điện hạt nhân trong các cuộc vận động bầu cử thì vừa qua cũng đã bị Tổ chức Hòa bình Xanh yêu cầu thực hiện lời hứa ngay. Trong khi đó, các quốc gia thuộc khu vực Nam châu Âu đang phản đối kế hoạch xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân (bên bờ Địa Trung Hải, gần với khu vực có nguy cơ động đất cao) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đặc biệt, Hy Lạp và Cyprus còn nêu vấn đề này với EU trong việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Thời điểm này, EU cũng đang đánh giá lại chính sách năng lượng của toàn khối gồm 27 thành viên và nêu câu hỏi về vai trò của nhà máy điện hạt nhân trong lục địa.
Chính quyền Bắc Kinh ngày 12-4 một lần nữa đã hối thúc Nhật Bản nhanh chóng cung cấp thêm thông tin trong bối cảnh những luồng dư luận tiêu cực vẫn đang rộ lên, gây hoang mang đối với người dân. Nhiều Tổ chức Bảo vệ môi trường như Hòa bình Xanh cáo buộc Chính phủ Nhật Bản cung cấp quá ít thông tin đáng tin cậy, thẩm định không đúng mức nghiêm trọng của sự cố. EUObserver cho rằng, thiếu thông tin càng khiến người dân lo sợ và xuống đường biểu tình, đòi tẩy chay với nhà máy điện hạt nhân.
Ở thời điểm rủi ro sự cố từ nhà máy điện hạt nhân gây ra được nhắc đến như một hiểm họa thì những nhà máy này dường như vẫn là ẩn số đối với người dân, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng.
NHƯ QUỲNH