Sau vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng một học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp TPHCM) do bị tủ đựng mền, gối đè chết, sinh hoạt ở ngôi trường này đã trở lại bình thường. Công tác rà soát lại chất lượng trang thiết bị, đồ dùng, đảm bảo an toàn cho học sinh theo yêu cầu của lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cũng được các đơn vị nghiêm túc triển khai. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” đe dọa an toàn cho học sinh.
Sau những vụ tai nạn thương tâm xảy ra với học sinh, lãnh đạo 24 phòng GD-ĐT quận huyện yêu cầu các trường học rà soát lại chất lượng các công trình. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC
Bài học đau thương
Ngay sau tai nạn xảy ra vào trưa ngày 9-12, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp) đã cho thợ gắn vít cố định tất cả tủ đựng mền, gối của học sinh vào vách tường. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, không chỉ riêng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn mà tất cả 80 trường học từ mầm non đến THCS trên địa bàn quận đều rà soát lại chất lượng tủ, bàn, ghế, cửa phòng và các vật dụng liên quan đến sinh hoạt, học tập của học sinh. Nếu thấy có nguy cơ gây tai nạn sẽ khắc phục ngay, không để thêm trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.
Trước đó vào cuối tháng 5-2014, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Minh Quang (quận 9) khiến một học sinh mầm non tử vong tại chỗ do bị cánh cửa tủ thư viện - vốn là công trình do ban đại diện cha mẹ học sinh đóng góp xây dựng - bị sút bản lề, rơi xuống và đè trúng khi đang tham quan trường tiểu học.
Trưởng phòng GD-ĐT quận 9 vào thời điểm đó, bà Lê Thị Minh Loan, cho biết sau khi xảy ra tai nạn, UBND quận 9 đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn quận rà soát lại chất lượng các công trình xây dựng từ nguồn đóng góp của ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn.
Trường học ngoài yêu cầu cung cấp tri thức, giáo dục kỹ năng sống còn có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trưởng phòng GD-ĐT một quận trung tâm của TPHCM cho biết, nguyên nhân cả hai vụ tai nạn nói trên đều mang tính chất xui rủi, song một phần xuất phát từ sự chủ quan của người lớn. “Nguyên tắc chung ở tất cả trường mầm non và tiểu học hiện nay là trang thiết bị, vật dụng nào cao hơn đầu học sinh đều phải gắn cố định vào tường, đề phòng trường hợp đổ sụp gây nguy hiểm cho học sinh. Nhưng có ai ngờ...”, ông này cho biết.
Tương tự đối với tai nạn xảy ra ở quận 9, tủ sách thư viện mới đưa vào sử dụng chưa đầy 2 tháng, các mối nối chưa bị gỉ sét, chiều cao tủ chỉ ngang tầm với của học sinh nhưng do làm bằng vật liệu bê tông khá nặng nên khi bung cửa vẫn đủ sức gây nguy hiểm tính mạng học sinh. Hai vụ việc đều giống nhau ở chỗ khi tai nạn xảy ra rồi người lớn mới giật mình thốt lên ba chữ “không ngờ đến”.
Không thể để các trường “tự bơi”
Có thể thấy, sau mỗi vụ tai nạn, các trường đều nghiêm túc nhận khuyết điểm. Lãnh đạo 24 phòng GD-ĐT quận, huyện đều yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn mình phụ trách rà soát lại chất lượng các công trình, đề phòng tai nạn tương tự xảy ra. Tuy nhiên, nếu hiểm họa đến từ các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong trường học, đơn vị còn có thể gia cố, sơn sửa nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng nếu rủi ro đến từ các yếu tố như cây xanh, vị trí địa lý của ngôi trường hay liên quan đến các vấn đề xây dựng cơ bản như bố trí cầu thang, toilet, thang máy vận chuyển thức ăn… thì nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà trường.
Chị Minh Nguyệt, phụ huynh có con đang học Trường Mầm non 24B (quận Bình Thạnh) cho biết, khu vực thang máy vận chuyển thức ăn ở trường con chị tuy được ngăn cách với hành lang lớp học bằng một hàng rào nhỏ nhưng do vị trí thang máy nằm gần khu vực sân chơi của học sinh, trẻ con vốn tính tò mò, hiếu động, nếu không có người lớn giám sát sẽ dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Tương tự, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú) lo ngại về gốc cây xà cừ lâu năm án ngữ ngay trước cổng trường. Trước đây có cây đã từng bật gốc, ngã sập, gây hư hỏng một phần căng tin của nhà trường.
Qua đó cho thấy, tại các trường, vấn đề nâng cấp, sửa chữa phụ thuộc rất nhiều vào “độ rộng, hẹp” của ngân sách địa phương, nếu đặt ra yêu cầu các trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh là điều không ai dám hứa chắc. Đó là chưa kể theo quy định của Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành, các vấn đề về an toàn thiết bị, xây dựng phòng chức năng cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức.
Cụ thể ở Điều 45, chương VI quy định tài sản chung của nhà trường chỉ nêu yêu cầu “Khu nhà ăn, nhà nghỉ đảm bảo điều kiện sức khỏe cho học sinh bán trú (nếu có)”, chưa lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn, thương tích cho học sinh. Tương tự ở Điều 47, quy định về hoạt động thư viện mới nhắc đến các yếu tố tổ chức hoạt động, bố trí thiết bị theo Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành, chưa có dòng nào nhắc đến yêu cầu an toàn đối với loại hình “thư viện xã hội hóa” vốn đang phổ biến trong trường học hiện nay. Đó chính là lỗ hổng khiến vấn đề đảm bảo an toàn trường học hiện nay đang được các đơn vị thực hiện mỗi nơi một khác, đa phần đều theo kiểu “hỏng đâu, vá đó” khiến phụ huynh chưa thể an lòng.
|
MINH QUÂN