Anh hùng trong công tác bảo vệ!

Được đi áp giải phạm nhân nhờ bảo vệ tốt... thủy điện Hòa Bình
Anh hùng trong công tác bảo vệ!

Trong một cơ quan, bất kỳ những người làm công tác bảo vệ thường thuộc thành phần “yếu thế”. Song, những người ở đơn vị chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ và hỗ trợ (Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp – C22, Bộ Công an) lại chính là đơn vị cấp cục đầu tiên của Tổng cục Cảnh sát được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Được đi áp giải phạm nhân nhờ bảo vệ tốt... thủy điện Hòa Bình

Anh hùng trong công tác bảo vệ! ảnh 1

Đại úy Nguyễn Văn Kha (người cầm sổ) góp ý phương án bảo vệ Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Sau hơn 16 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, đại úy Nguyễn Văn Kha đã được về làm đội trưởng Đội hỗ trợ tư pháp của Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hòa Bình (PC22).

Công việc của anh bây giờ là đi bảo vệ các phiên tòa, áp giải phạm nhân. “Số tôi vất vả nên khi Hòa Bình đã có đầy đủ các điều kiện bảo vệ tốt hơn, nhàn hơn thì được giao nhiệm vụ khó hơn. Xưa chuyên bảo vệ mục tiêu tĩnh, nay mục tiêu rất động, rất manh động nhất là những phạm nhân biết mình sẽ bị tử hình, bị HIV...

Lắm lúc họ còn đe dọa, nếu mình làm căng sẽ tặng cho vài con virus hoặc tự tử”, đại úy Kha tâm sự. Người đàn ông rắn rỏi, điển trai này nhiều lần bị vợ dọa bỏ vì “tội” hết ngày lại đêm ở thủy điện. Tính ra, anh đã đi hàng ngàn kilômét trên công trình quốc gia lớn hàng đầu Đông Nam Á. Hồi ấy chỉ mấy chục anh em cảnh sát bảo vệ phải bảo vệ cho hàng vạn chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam làm việc. Công trường bụi bẩn, tấp nập người, xe. Có những bộ phận phải bám trụ trong lòng hầm rét run người mà không dám lơ là vì lơ đễnh một chút là bị tai nạn lao động và mất cắp vật tư.

Thủy điện hoàn thành, không ít lần anh Kha cùng đồng đội phát hiện đối tượng nước ngoài trà trộn vào đoàn khách tham quan chụp ảnh các vị trí nhạy cảm của thủy điện Hòa Bình nhằm phục vụ âm mưu phá hoại. Nay, anh nằm trong số 70% cán bộ chiến sĩ tham gia bảo vệ thủy điện Hòa Bình bị thấp khớp. Có người vẫn còn bị di chứng khác vì khi đứng bảo vệ trạm biến áp 220 KV của nhà máy, dí bút điện vào ai cũng thấy đỏ lòe. Nay, công trình được bảo vệ tuyệt đối an toàn, anh được vinh dự trao nhiệm vụ nóng bỏng khác...

Ngồi trên đoàn tàu chở đầy tiền, túi không có một xu

Thiếu tướng Nguyễn Văn Vượng, Cục trưởng C22 nói vui: “Đã vào C22 thì mỗi cán bộ, chiến sĩ phải chấp nhận đồng hành với gian khổ, vượt qua gian khó”. Có những người tưởng là rất sướng khi ngồi trên đống tiền, nhưng thực tế trong túi không có một xu. Đầu óc lúc nào cũng căng thẳng vì phải... giữ tiền. Đó là những người làm nhiệm vụ áp tải hàng đặc biệt (chủ yếu là tiền, vàng, đá quý, ấn chỉ có giá trị kinh tế... ) của Chính phủ mà người trong ngành thường hay gọi đùa là lính “bảo tiêu”. Bảo vệ chở tiền cũ đi tiêu hủy tưởng đã gian khó nhưng “mệt nhất là 3 năm thực hiện chiến dịch BTM, tức là bộ tiền mới”, thiếu tá Phạm Văn Tiến, Đại đội phó Đại đội áp tải hàng đặc biệt (C3) thuộc Trung đoàn 99, C22 nhớ lại. “Chưa bao giờ chúng tôi phải làm việc với tiến độ, cường độ nhanh và cao, số lượng hàng nhiều đến thế”.

Từ năm 2003, Ngân hàng Nhà nước phát hành bộ tiền mới bằng chất liệu polymer và tiền xu. Trong 3 năm 2003 - 2005, C3 và Trung đoàn 99 phải làm nhiệm vụ áp tải từng đoàn xe ô tô, đoàn tàu nối đuôi nhau chở 3.390 tấn tiền polymer vào Nam và các địa phương trong cả nước. Thiếu tá Tiến tiết lộ: “Trước đây, mỗi năm phải áp tải 200-300 chuyến/năm tưởng là nhiều nhưng trong chiến dịch BTM, chúng tôi đã phải gồng mình áp tải cả ngàn chuyến/năm”. Trong đó, có những chuyến tàu Bắc - Nam trên đó chỉ có tiền, lính C22 với cơ số súng đạn đủ để đối phó với tình huống xấu nhất: bị nhóm vũ trang cướp.

Nếu như lính bảo tiêu phải ngụy trang, bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn thì “dân” bảo vệ mục tiêu, áp giải phạm nhân và các lực lượng đặc nhiệm, cơ động... luôn phải “trơ gan” cùng tuế nguyệt và thường trực sẵn sàng đối phó với những diễn biến tâm lý bất thường của “mục tiêu”. Họ là những người đã tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở “điểm nóng” Tây Nguyên vào năm 2001, 2004; bảo vệ an toàn các chuyến thăm, công cán của những nguyên thủ; góp phần áp giải, bảo vệ thành công phiên tòa xét xử vụ Trương Văn Cam; PMU18, Lã Thị Kim Oanh; Lê Văn Tình, Trịnh Nguyên Thủy... Gần đây nhất là vụ Cao Thị Lan và đồng bọn mua bán chất ma túy trái phép ở Hà Nội.

Càng ngày, nhu cầu bảo vệ, hỗ trợ tư pháp càng lớn. Mặc dù Chính phủ đã quy định rõ chỉ những cơ quan như ngân hàng, kho bạc, đại sứ quán, tỉnh ủy... mới được C22 bố trí bảo vệ (tổng cộng có 557 mục tiêu trong cả nước) nhưng gần đây, nhiều bộ, ngành và cán bộ ngoại giao có văn bản đề nghị C22 bố trí bảo vệ. “Trong khi đó, chúng tôi luôn phải bố trí quân hỗ trợ cho các lực lượng khác của Bộ Công an như cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, trật tự xã hội, trật tự quản lý kinh tế... mỗi khi họ đi phá những vụ án lớn như buôn lậu ở hang Dơi (Lạng Sơn); vũ trường New Century; bắt bạc ở Hà Tây; giải thoát con tin ở Phú Thọ... Với nhu cầu như hiện nay thì gần 7.000 cán bộ, chiến sĩ ở C22 chưa thể đáp ứng nổi. Ngày 7-4, chúng tôi vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT do Nhà nước trao tặng. Đây là vinh dự mà cũng là trách nhiệm để chúng tôi tiếp tục nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”, thiếu tướng Vượng nói.

Lăng Tiêu

Tin cùng chuyên mục