Argentina đối mặt nguy cơ vỡ nợ

Ngày 25-9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina (BCA) Luis Caputo bất ngờ tuyên bố từ chức chưa đầy 4 tháng sau khi đảm nhận vị trí này.

Sự kiện này lập tức tác động tới thị trường hối đoái Argentina trong phiên giao dịch cùng ngày, khiến cho đồng peso bị mất giá thêm 2,15% so với đồng USD và kết thúc phiên ở mức 38,98 peso/USD.

Thống đốc Caputo từ chức trong bối cảnh Argentina đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn do những biến động mạnh trên thị trường tài chính tiền tệ, trong khi chính phủ vẫn đang thương lượng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói vay tín dụng trị giá 50 tỷ USD, nhằm giúp cho nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ hiện nay. Cũng trong ngày 25-9, một cuộc tổng đình công trên toàn quốc đã diễn ra nhằm phản đối những chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ nước này đang thực hiện. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ phải dừng việc sa thải người lao động, tuyên bố tình trạng khẩn cấp về lương thực và nối lại các cuộc thương lượng liên quan tới việc tăng lương do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của đất nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người lao động. Họ phản đối mạnh các biện pháp tài khóa mà IMF khuyến khích nước này thực thi hồi năm 2001 vì cho rằng đã khiến cuộc khủng hoảng kinh tế của Argentina ở thời điểm đó càng thêm nghiêm trọng, đẩy hàng triệu người trung lưu Argentina rơi vào cảnh đói nghèo.

Nền kinh tế Argentina đang phải trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Mauricio Macri lên nắm quyền năm 2015 với việc đồng peso mất giá gần 100% so với đồng USD. Từ đầu năm đến nay, đồng peso đã mất giá 45%, tỷ lệ lạm phát trong 8 tháng đầu năm đã vọt lên 24,3% - nằm trong nhóm các nước có chỉ số lạm phát cao nhất thế giới - và được dự báo sẽ lên hơn 40% vào cuối năm nay. Thực ra, những diễn biến mới nhất tại Argentina đã được cảnh báo từ cuối tháng trước ngay khi ngày 30-8, Ngân hàng Trung ương nước này bất ngờ nâng lãi suất cơ bản đồng peso lên 60%. Việc Tổng thống Macri, ngày 28-8, bất ngờ đề nghị IMF giải ngân sớm gói cứu trợ 50 tỷ USD cũng là một tín hiệu cho thấy tình hình đang xấu đi nhanh chóng. 

Tờ Financial Times cho rằng giới đầu tư đang ngày càng lo ngại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latinh sẽ sớm rơi vào tình trạng vỡ nợ bởi những thách thức mà Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri gặp phải trong việc thanh toán khối nợ công khổng lồ. Theo CNBC, ngoài vấn đề vay nợ tràn lan, Argentina còn đang chịu tác động từ việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ khiến đồng USD tăng giá. Không chỉ có thị trường tài chính Argentina chịu ảnh hưởng của lãi suất cao hơn ở Mỹ thời gian qua, mà thị trường tài chính của nhiều nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng bị biến động mạnh. 

Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, việc ông Caputo bất ngờ từ chức có thể làm gia tăng nguy cơ biến động tiền tệ trong ngắn hạn và Argentina cần phải sớm khẳng định những chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận liên quan đến chính sách tỷ giá hối đoái với IMF để hạ nhiệt thị trường. Còn theo giới phân tích, không rõ IMF có giúp Chính phủ Argentina ổn định tình hình tài chính hay không, trong bối cảnh Chính phủ nước này chưa hề triển khai được các biện pháp cải cách kinh tế như đã hứa với IMF, chủ yếu là các biện pháp nhằm cắt giảm chi tiêu và vay mượn.

Tin cùng chuyên mục