ASEAN đẩy nhanh chuyển đổi số

Theo đài CNBC, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện hội đủ điều kiện để trở thành một nền kinh tế kỹ thuật số: dân số trẻ, am hiểu công nghệ với hơn 400 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số và sự độ phủ internet ngày càng tăng.
ASEAN có độ phủ internet cao hơn 70%. Ảnh: CNBC
ASEAN có độ phủ internet cao hơn 70%. Ảnh: CNBC

Thuận lợi và khoảng cách

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế kỹ thuật số của 6 quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - dự kiến sẽ tăng trưởng 6%/năm.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia và trong nội bộ các quốc gia. Anthony Toh, nhà phân tích nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết: “Lý do đằng sau sự phát triển không đồng đều này là sự phân bổ lợi ích kinh tế số không đồng đều, do các quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau để phát triển khung pháp lý của họ, cộng thêm khoảng cách thành thị - nông thôn đến trình độ hiểu biết kỹ thuật số. Vì vậy phải có nghiên cứu chi tiết, hoạch định chính sách có tầm nhìn xa và sự ủng hộ đáng kể từ các bên liên quan trong khu vực”.

Kenddrick Chan, một thành viên tại Viện Portulans, một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận xét: “Mặc dù ASEAN có độ phủ internet cao hơn 70% và hầu hết dân số sở hữu điện thoại thông minh, nhưng vẫn bị chi phối bởi phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, việc áp dụng vào toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số đòi hỏi nhiều kiến thức kỹ thuật số hơn”.

Mục tiêu 1.200 tỷ USD

ASEAN sẽ tăng cường sử dụng công nghệ số để mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên. Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan, Auramon Supthaweethum cho biết ASEAN cũng sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với 6 “đối tác đối thoại” nhằm thiết lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới hoặc mở rộng các hiệp định hiện có. ASEAN đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại nội khối lên mức 1.200 tỷ USD vào năm 2025. Bà Auramon khẳng định, các quan chức kinh tế cấp cao của ASEAN cũng như các nước đối tác đối thoại - gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Canada - đã gặp nhau ở Jakarta, Indonesia để thảo luận và sẽ đệ trình báo cáo về tiến trình đàm phán FTA trước Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào tháng 8 tới.

Trong khi đó, ông Duangarthit Nidhi-u-tai, Phó Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan, nhấn mạnh trọng tâm của những cuộc đàm phán hồi tháng trước tại Jakarta là về các mục tiêu sẽ hoàn thành trong năm 2023, bao gồm kết thúc đàm phán FTA giữa ASEAN - Australia - New Zealand, triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, thiết lập khuôn khổ cho Hiệp định Kinh tế số ASEAN để các nhà lãnh đạo có thể thông báo bắt đầu đàm phán về hiệp định này trong năm nay. Ngoài ra, các bên còn thảo luận về biện pháp đẩy nhanh các quy trình nội bộ để các nước thành viên có thể ký kết các thỏa thuận kinh tế đã hoàn thiện, chẳng hạn như Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về di chuyển thể nhân và Khung pháp lý an ninh lương thực ASEAN; đồng thời thúc đẩy đàm phán để tăng cường Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và báo cáo tiến độ vào tháng 8. Theo ông Duangarthit, đàm phán FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã đạt được bước tiến đáng kể, trong khi những cuộc thảo luận với Canada đang tiếp tục.

Tin cùng chuyên mục