ASEAN không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Ngày 14-10, lễ khai mạc và cuộc họp toàn thể Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy (AMMD) lần thứ 7 do Campuchia tổ chức theo hình thức trực tuyến (từ 12 – 14-10) đã diễn ra với sự tham dự của các quốc gia thành viên ASEAN.

Hội nghị AMMD là cơ chế được tổ chức theo sáng kiến của Thủ tướng Thái Lan với mục tiêu hiện thực hóa “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về một ASEAN không có ma túy vào năm 2015” đã được nguyên thủ các nước thành viên ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 được tổ chức tại Campuchia 4-2012.

ASEAN không khoan nhượng với tội phạm ma túy ảnh 1 Cơ quan chức năng triệt phá và thu giữ tang vật vụ án ma túy xuyên quốc gia từ Campuchia về TPHCM 

Năm 2021, AMMD 7 tập trung vào một số nội dung chính, gồm: Cập nhật tình hình phát triển trong khối ASEAN; Phát biểu của Trưởng đoàn cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về vấn đề ma túy; báo cáo kết quả Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 41; hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 42; báo cáo đánh giá giữa kỳ về kế hoạch hành động ASEAN phấn đấu bảo vệ Cộng đồng chống tệ nạn ma túy 2016-2025 và Kế hoạch hợp tác ASEAN đấu tranh chống sản xuất và mua bán ma túy bất hợp pháp tại khu vực Tam giác vàng; thông qua tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị.

Hiện nay, ASEAN đã công bố 6 báo cáo giám sát tình hình ma túy khu vực và triển khai nhiều sáng kiến như: Cổng thông tin ASEAN về giáo dục phòng ngừa, các tổ công tác về thực thi pháp luật phòng, chống ma túy qua đường hàng không và tại cảng biển, trung tâm thông tin phòng, chống tội phạm ma túy; ASEAN đã thống nhất sử dụng ghim cài áo hình ruy-băng màu trắng xanh làm biểu tượng phòng, chống ma túy, truyền đi thông điệp trong giới trẻ và cộng đồng về sự kiên trì, bền bỉ trong cuộc chiến chống ma túy.

Bên cạnh việc tăng cường gắn kết, củng cố hợp tác nội khối, ASEAN chú trọng phát huy vai trò chủ đạo trong việc mở rộng hợp tác với các bên đối tác, các nước đối thoại trong phòng, chống ma túy.

Tại AMMD 7, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm khẳng định, Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN về thái độ không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một cộng đồng chung ASEAN không ma túy.

Với trách nhiệm của một nước thành viên, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các giải pháp toàn diện, cân bằng và lồng ghép việc thực hiện kế hoạch hành động bảo vệ Cộng đồng ASEAN chống ma túy trái phép 2016-2025 và kế hoạch hợp tác ASEAN về đấu tranh chống mua bán và sản xuất ma túy trái phép tại khu vực Tam giác vàng 2020-2022 với việc triển khai chương trình phòng, chống ma túy quốc gia theo Kế hoạch của Chính phủ.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy nhằm ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy; dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường thủy và đường hàng không; triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa; đa dạng và xã hội hóa các mô hình điều trị cai nghiện và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng bày tỏ, giải pháp thời gian tới các quốc gia trong khu vực cần duy trì và củng cố xây dựng "lòng tin chính trị" trong đấu tranh phòng chống ma túy; kiểm soát và phòng chống thất thoát tiền chất, triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy bí mật. 
Đặc biệt, ở cấp độ quốc gia, các bên cần chủ động thiết lập kênh trao đổi thông tin, cơ chế giao ban trực tuyến; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống ma túy; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia. 

Việt Nam cũng nhất trí cao đối với các nội dung đề ra và tin tưởng rằng kết quả của AMMD lần thứ 7 sẽ thể hiện cam kết chính trị cấp cao cho ASEAN trong phòng chống ma túy giai đoạn 2016-2025.

Tin cùng chuyên mục