Ngày 6-4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 (AFMM-22) diễn ra tại Singapore thảo luận việc thúc đẩy đầu tư và thương mại hơn nữa giữa các nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng việc thu hút đầu tư tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng mang tính liên kết trong khu vực.
Tăng hợp tác đầu tư
Tăng hợp tác đầu tư
Tham dự hội nghị có đại diện Ban thư ký ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và đại diện cơ quan tài chính các quốc gia thành viên. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Theo thống kê của IMF, tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN trong năm 2017 đạt mức 5,1% và được hy vọng sẽ tiếp tục giữ vững nhịp độ trong năm 2018. Tuy nhiên, nền kinh tế khu vực cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nổi lên từ chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng về thương mại, xu hướng cực đoan có chiều hướng gia tăng... đe dọa tới chiến lược tăng trưởng chung. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore cam kết nỗ lực cùng với các nước thành viên thúc đẩy đầu tư và thương mại hơn nữa giữa các nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng việc thúc đẩy tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng mang tính liên kết trong khu vực.
Hút đầu tư tư nhân
Số liệu của ADB cho thấy nhu cầu đầu tư cơ sở của ASEAN sẽ lên tới khoảng 2.800 tỷ USD từ nay đến năm 2030, tương đương 184 tỷ USD/năm.
Hiện phần lớn trách nhiệm về chi phí cơ sở hạ tầng vẫn đang đè nặng lên vai của các chính phủ. Vì vậy, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tăng trưởng, ASEAN cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Trên cơ sở đó, Singapore đã đề xuất ba phương thức khai thác thị trường vốn tư nhân để tài trợ cơ sở hạ tầng, bao gồm: cải thiện tính minh bạch; nâng cao khả năng thanh toán; và tăng cường hệ thống dữ liệu về các cơ hội và dự án đầu tư trong khu vực.
Singapore đã thành lập Văn phòng Cơ sở hạ tầng châu Á nhằm phát hành trái phiếu để tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như phát triển thị trường trái phiếu dài hạn trong khu vực ASEAN…
Là một trong những quốc gia luôn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc làm thế nào để thúc đẩy các dự án hợp tác công-tư (PPP) cũng như tăng khả năng thu hút các nguồn vốn cho lĩnh vực quan trọng này. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, chính phủ Việt Nam cam kết duy trì môi trường đầu tư ổn định, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp như sửa đổi, bổ sung Nghị định về PPP; nghiên cứu để sớm xây dựng và ban hành Luật Đầu tư PPP, trong đó quy định cụ thể trình tự, quyền hạn và trách nhiệm, thẩm quyền của các bên; ban hành Nghị định về Trái phiếu xanh, cũng như thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện...
Tạo môi trường thuận lợi
Về thương mại và đầu tư, các bộ trưởng tài chính hoan nghênh kết quả đạt được trong việc hài hòa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của 10 nước ASEAN, triển khai Hệ thống thí điểm quá cảnh hải quan ASEAN (Hành lang Đông-Tây) tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và trao đổi chính thức thông tin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan từ ngày 1-1-2018. Các bộ trưởng mong muốn tất cả các nước sớm hoàn thành việc phê chuẩn Nghị định thư 2 về chỉ định các cửa khẩu biên giới và Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.
Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các bộ trưởng tài chính ủng hộ tài trợ bền vững và huy động nguồn vốn tư nhân cho tài trợ cơ sở hạ tầng trong ASEAN. Việc giới thiệu danh sách các dự án khả thi và cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng trong ASEAN cho các nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn tài trợ từ khối tư nhân.
Về lĩnh vực ngân hàng, các thống đốc ghi nhận những sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN đang được triển khai với các kết quả đáng khích lệ, phù hợp với các mục tiêu tổng thể của Tầm nhìn cộng đồng kinh tế ASEAN 2025. Các thống đốc đánh giá cao việc các Nhóm công tác đã hoàn thành công tác xây dựng bộ công cụ quản lý kết quả đầu ra bao gồm các chỉ số đo lường hoạt động (KPI), biểu quản lý rủi ro (RMT). Với các công cụ hữu hiệu này, các thống đốc tin tưởng rằng các nước ASEAN sẽ quản lý tốt tiến trình thực hiện các sáng kiến hợp tác và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Văn bản hành động chiến lược ASEAN (SAP) về xây dựng một khu vực ngân hàng tài chính toàn diện và bền vững.
Với chủ đề “Đổi mới và tự cường” do nước chủ nhà ASEAN lựa chọn trong năm hợp tác ASEAN 2018, các thống đốc cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong công tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để tìm kiếm các giải pháp khu vực hữu hiệu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.