
Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan vừa đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, đề nghị 191 nước thành viên cần nhanh chóng cải tổ triệt để ban quản lý của tổ chức này.

Hoạt động cứu trợ của LHQ tại Dải Gaza.
Theo đó, các công việc như tuyển mộ và huấn luyện nhân viên, đầu tư cho công nghệ mới và xây dựng lại các hoạt động nhất định của LHQ cũng phải được cải thiện. Cải tổ lần này phải đảm bảo sao cho LHQ hoạt động hiệu quả trong việc giúp đỡ những nước bị nghèo đói, thiên tai và giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.
Ông cũng đề xuất một số biện pháp tiết kiệm nguồn quỹ từ việc xem xét lại việc chuyển đổi địa điểm một số hoạt động nhất định. Ví dụ như chuyển việc in ấn và phát hành các tài liệu từ New York (Mỹ ) sang những địa điểm khác có chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, ông K.Annan còn có đề xuất thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình có thể được huy động cho các sứ mạng khẩn cấp, trao cho tổng thư ký quyền thuyên chuyển nhân viên đến những nơi cần thiết và cải thiện cách thức mua hàng hóa và dịch vụ cho LHQ.
Đề nghị cải tổ LHQ của ông K. Annan được đưa ra trong bối cảnh cuộc điều tra vụ tham nhũng trong chương trình đổi dầu lấy lương thực tại Iraq vừa đưa ra kết luận “chính sự yếu kém trong công tác quản lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tham nhũng trên”.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông K. Annan chỉ nhận được sự ủng hộ đầu tiên từ Mỹ và Liên minh châu Aâu, trong khi lại bị nhiều thành viên từ các nước đang phát triển phản đối do lo ngại đề xuất cải tổ này sẽ cho phép tổng thư ký có quá nhiều quyền lực. Các nước đang phát triển cho rằng kế hoạch này cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng giữa các nước thành viên và ban ngân sách.
Liên quan đến nguồn quỹ của LHQ, các thông tin tại LHQ ngày 8-3 cho biết Nhật Bản đang tích cực vận động và sẽ đệ trình Đại hội đồng LHQ đề nghị mới về tỷ lệ đóng góp tài chính tối thiểu mà một nước thành viên thường trực HĐBA phải đóng góp trong khi giảm mạnh mức đóng góp của Nhật Bản sau nỗ lực vận động trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ thất bại năm 2005.
Nhật Bản đang gây sức ép mạnh mẽ đòi Trung Quốc và Nga phải tăng đóng góp tài chính cho LHQ để xứng đáng là các nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết của LHQ. Mức đóng góp của Nga hiện nay chỉ chiếm 1,1% và Trung Quốc chỉ chiếm 2,1% trong khi mức đóng góp của Nhật Bản lên tới 20% ngân sách của LHQ.
X.H. (Theo BBC, AP)