Cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH trong Thế kỷ 21

Bài 1: Lời kêu gọi của Tổng thống Venezuela: Quốc tế 5 - Đoàn kết người lao động vì một xã hội XHCN

Bối cảnh ra đời của ý tưởng Quốc tế 5
Bài 1: Lời kêu gọi của Tổng thống Venezuela: Quốc tế 5 - Đoàn kết người lao động vì một xã hội XHCN

LTS: Trong những năm gần đây, phong trào cánh tả và cuộc cách mạng XHCN đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Mỹ Latinh, nơi từng được xem là sân sau của Mỹ, mà cao trào là lời kêu gọi xây dựng CNXH Thế kỷ 21 và mới đây là lời kêu gọi mang tính gợi mở thành lập Quốc tế XHCN 5 (Quốc tế 5) của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez nhằm tập hợp các đảng cánh tả, đảng Cộng sản và CNXH để đẩy mạnh cuộc đấu tranh xây dựng CNXH trong khu vực Mỹ Latinh nói riêng và trên phạm vi toàn thế giới nói chung. Điều gì đang xảy ra ở vùng đất phía Nam bên kia bán cầu? Và Quốc tế 5 sẽ dựa trên học thuyết nào? Những thách thức nào đang đặt ra trên con đường cách mạng XHCN?

Báo SGGP đã trao đổi, gặp gỡ với các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội trong nước và trên thế giới để tìm câu trả lời cho những vấn đề trên trong loạt bài mới: Cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH trong Thế kỷ 21. Loạt bài này cũng nhằm tiếp nối loạt bài “Học thuyết Mác - Lênin và CNXH: Trào lưu hay quy luật tất yếu” được bạn đọc trong và ngoài nước rất quan tâm.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất 55 các Đảng cánh tả trên thế giới tổ chức tại thủ đô Caracas của Venezuela vào tháng 11-2009, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã kêu gọi thành lập Quốc tế 5. Giống như lời kêu gọi xây dựng CNXH Thế kỷ 21 vào năm 2005 và thành lập một đảng mới: Đảng của quần chúng cách mạng – Đảng XHCN thống nhất (PSUV), lời kêu gọi của Tổng thống Hugo Chavez nhằm đoàn kết các lực lượng cánh tả trong Quốc tế 5 được đánh giá mang tính lịch sử bởi vì uy tín chính trị của ông Chavez với tư cách là một nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng đã và đang huy động sức mạnh của hàng triệu triệu người đấu tranh cho xã hội XHCN.

Bối cảnh ra đời của ý tưởng Quốc tế 5

Phát biểu tại hội nghị trên, Tổng thống Hugo Chavez nói: “Thời gian để thành lập Quốc tế 5 đã đến. Đối mặt với cuộc khủng hoảng của CNTB và những mối đe dọa chiến tranh đang đặt tương lai nhân loại trước nhiều nguy cơ, nhân dân đang kêu gọi sự đoàn kết của các đảng cánh tả và các đảng cách mạng để đấu tranh vì một xã hội XHCN”. Theo ông Chavez, CNTB đang đe dọa sự tồn tại của nhân loại cũng như sự tồn tại của cả hành tinh bởi vì “CNTB kết hợp cuộc khủng hoảng kinh tế với khủng hoảng hệ sinh thái, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng”.

Từ trái sang phải: Phó Chủ tịch Cuba Jose Ramon Machado, Tổng thống Nicaragua D. Ortega, Tổng thống Venezuela H. Chavez, Tổng thống Bolivia E. Morales và Tổng thống Honduras M. Zelaya.

Từ trái sang phải: Phó Chủ tịch Cuba Jose Ramon Machado, Tổng thống Nicaragua D. Ortega, Tổng thống Venezuela H. Chavez, Tổng thống Bolivia E. Morales và Tổng thống Honduras M. Zelaya.

Trong một thập kỷ qua, nhiều đảng cánh tả đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Mỹ Latinh, nhưng thực tế cũng cho thấy nếu chỉ nghĩ đến việc giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử mà không tập hợp, đoàn kết các lực lượng xã hội để thay đổi thế giới thì rõ ràng khó đạt được mục đích. Một nước Venezuela đang tiến lên xây dựng CNXH không thể tồn tại cô lập với các quốc gia trong khu vực nói riêng và trên phạm vi toàn thế giới nói chung.

Quốc tế 5 ra đời sẽ là một không gian tập hợp các đảng XHCN và phong trào cánh tả. Theo ông H.Chavez, Venezuela đang nỗ lực xây dựng CNXH và đã có một số kinh nghiệm, thử nghiệm cũng như đạt được những bước tiến mới. Venezuela không theo đuổi kinh tế thị trường cũng như “CNTB nhân đạo” mà đặt ra mục tiêu xóa bỏ CNTB và xây dựng CNXH. Theo ông, cần phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất và tinh thần của CNXH, trong đó phải coi xây dựng ý thức tránh nhiệm xã hội, các giá trị XHCN và chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất là những yếu tố quan trọng.

Theo đề xuất của ông Chavez, Quốc tế 5 sẽ tập hợp tất cả nhân dân lao động trên phạm vi toàn thế giới cho dù có sự khác biệt về quan điểm chính trị hoặc niềm tin nhằm đoàn kết công nhân lao động như là lực lượng chủ thể chứ không phải là một thành viên của đảng chính trị nào. Nói một cách khác, Quốc tế 5 nhằm đoàn kết nhân dân lao động để thúc đẩy việc phát triển ý thức của họ, khuyến khích họ hành động độc lập với giới tư bản để bảo vệ lợi ích của chính mình. Hơn nữa, một mặt trận thống nhất sẽ vận động được đa số nhân dân lao động tham gia vào cuộc cách mạng đấu tranh, trước hết là bảo vệ lợi ích của chính mình, sau đó là tiến tới cuộc đấu tranh thay đổi chế độ tư bản bằng chế độ XHCN.

Quốc tế 5 đấu tranh vì CNXH chứ không nhằm cải tổ CNTB

Từ những nhận định trên, những người ủng hộ ông Chavez cũng cho rằng cách tiếp cận vấn đề của Quốc tế 5 phải khác hẳn tư tưởng của các nhà dân chủ xã hội mà một số đảng cánh tả ủng hộ, đó là chỉ tiến hành cải cách hệ thống tư bản, mang lại cho công nhân nhiều quyền lợi hơn, chứ không tiến đến một cuộc đấu tranh nhằm thay thế CNTB bằng CNXH. Nhưng Quốc tế 5 cũng sẽ khác với tư tưởng của những người cực tả, những người chỉ sẵn sàng ủng hộ cuộc đấu tranh một khi cuộc đấu tranh đó chứng minh được tính hiệu quả của nó. Những người cực tả khăng khăng đòi đưa những yêu cầu cách mạng vào cuộc đấu tranh, thậm chí những yêu cầu đó lại xa vời với cuộc sống của công nhân.

Trong khi đó, Quốc tế 5, theo ông Chavez, phải khuyến khích công nhân tự giác đứng lên đấu tranh, thiết lập mối quan hệ giữa cuộc đấu tranh hàng ngày của công nhân với cuộc đấu tranh vì CNXH, bởi vì hành động đứng lên và tổ chức một cuộc đấu tranh mới có khả năng làm thay đổi nhận thức của tất cả những ai tham gia và nâng cuộc đấu tranh thành một cuộc cách mạng thật sự.

Các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội cũng cảnh báo rằng mặc dù lời kêu gọi thành lập Quốc tế 5 mang tính lịch sử và đang nhận được ủng hộ nhiệt tình, nhưng cũng cần thận trọng vì con đường trước mắt còn đầy chông gai. Quốc tế 5 nếu không khéo sẽ chuyển thành việc thành lập một tổ chức dân chủ xã hội chỉ nhằm mục đích cải tổ CNTB thay vì đấu tranh cho CNXH. Trong thực tế, Thỏa thuận Caracas về việc thành lập Quốc tế 5 cũng đã để mở nhiều ý mà người ta có thể hiểu theo nhiều hướng. Bằng chứng là: “Tâm chấn của cuộc khủng hoảng của CNTB là lĩnh vực kinh tế, cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật những giới hạn của thị trường tự do thả nổi do các tập đoàn tư nhân độc quyền điều hành, điều này đang xảy ra ở chính Venezuela”. Điều này khiến có thể khi áp dụng người ta hiểu rằng những điều cần làm là chính phủ phải điều hành thị trường tự do do các tập đoàn tư nhân đa phương thâu tóm.

Hiện nay, mô hình XHCN phát triển sẽ như thế nào vẫn còn là vấn đề đang được thảo luận. XHCN Thế kỷ 21 có giống mô hình các nước Liên Xô và Đông Âu không? Nếu khác thì như thế nào? Nhưng về cơ bản các nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội cho rằng Quốc tế 5 phải lấy tư tưởng Mác làm chủ đạo.

Những thành phần cần thiết của CNXH phải bao gồm:

1- Những trụ cột căn bản của nền kinh tế phải được quốc hữu hóa và điều hành theo một kế hoạch được đa số quần chúng nhân dân xác định một cách dân chủ. Vì thế nó sẽ phục vụ nhu cầu của nhân dân, chứ không phải hợp đồng lợi nhuận của một bộ phận thiểu số những người giàu có.

2- Nhân dân kiểm soát chính phủ một cách dân chủ chứ không phải chính phủ kiểm soát người dân.

3- Chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe được xem là quyền con người cơ bản nhất và người dân không phải trả tiền cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Nhà ở phải có đủ cho tất cả với giá cả hợp lý.

4- Mọi người được đảm bảo có công ăn việc làm và có mức lương tốt. Người lao động được trả lương theo đúng khả năng đóng góp của họ.

5- Môi trường được làm sạch và loại bỏ các yếu tố làm ô nhiễm môi trường.

6- Những người điều hành chính phủ không hiệu quả có thể bị thay thế vào bất cứ lúc nào và không thể được trả lương cao hơn người lao động

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục