Tội phạm mạng – SOS

Bài 1: Tài sản ảo trong Game Online - “Mảnh đất” phi luật với hàng tỷ đồng giao dịch

Tổng giá trị các vật phẩm có khả năng giao dịch trong các Game Online (GO) đang được phát hành tại Việt Nam là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó các giá trị đã giao dịch cũng đã lên tới hàng tỷ đồng. Tại đây đang diễn ra rất nhiều giao dịch ngầm, và tất nhiên chứa đựng cả cướp đoạt, lừa đảo, song rất ít có sự can thiệp của pháp luật.

  • Lừa đảo, cướp và hack

Long, 24 tuổi, là một gamer chuyên mua đi bán lại các vật phẩm trong GO Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK). Dạo khắp các chợ ở “thất đại thành thị”, mắt nhìn chăm chăm vào các kênh rao bán đồ vật, nhân vật của Long luyện công thì ít mà “Thổ địa phù” về thành mua bán, giao dịch thì nhiều.

Được cái chí thú làm ăn, mua của “noob”, bán cho “VIP”, cứ trung bình 1 tuần chàng trai này lại kiếm được hơn 10 ngàn vạn (đơn vị tiền tệ trong GO VLTK).

Tỷ giá bán từ tiền game ra tiền mặt hiện nay ở server Chung Sơn của Long là 450 ngàn đồng – 10 ngàn vạn, tính ra, làm ăn suôn sẻ thì mỗi tháng, Long cũng kiếm được gần 2 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt.

Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng “Game càng lúc càng ít “noob”, mà dân lừa đảo thì cứ nhan nhản ra. Lừa đảo trong game thì em nhiều kinh nghiệm rồi, không bị nữa, nhưng có lần bị lừa ngoài đời mới tức”, Long nói.

Cái lần bị lừa nhớ đời đó là lần Long bán 20 ngàn vạn, khách hàng chạy xe Future tới tiệm, giao dịch nhận tiền game xong thì xin ra cốp xe lấy tiền. Vù một cái, hắn ta lên xe vọt mất. Gần một triệu đồng đáng ra là của Long không cánh mà bay.

Bị lừa đảo như Long, tính ra cũng… còn nhẹ! Nghĩa, cậu học sinh lớp 10 chơi một “con” Thiên Nhẫn còn bị đau hơn nhiều, đau cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Là một cao thủ “săn boss” (giết nhân vật trong GO để lấy đồ quý), Nghĩa đã không ít lần “săn” được những món đồ trị giá 4 – 7 triệu đồng/món. Nhưng “boss” thì phải phối hợp đánh theo nhóm, nên khi cậu bé giấu món đồ lượm được để bán một mình, lặn lội lên tận quận 7, Biên Hòa giao hàng, thay vì nhận được 4 - 5 triệu đồng thì lại bị các “khách hàng” to con của mình đánh cho một trận!

Không cần “nhanh chân, mạnh tay” như vậy, nhưng đứng đầu trong các nỗi sợ hãi của gamer là hacker. Từ kiểu hack đơn giản nhất là cài keylog, trojan trực tiếp vào máy để đánh cắp thông tin từ bàn phím ảo, các hacker GO hiện nay “chuyên nghiệp” lên, viết phần mềm giúp chơi game phát tán cho cộng đồng game thủ.

Những phần mềm này giúp đỡ người chơi, để rồi cũng chính các phần mềm này, với các chương trình đánh cắp mật khẩu cài sẵn trong đó, đã đưa thông tin tài khoản của người chơi về để hacker “lột sạch”.

  • Sự ổn định của thị trường... không ổn định

Với đủ trò lừa đảo, chiếm đoạt, thị trường vật phẩm trong GO là một thị trường rất bấp bênh. Đặc biệt, hiện chúng ta chưa có một quy định pháp luật nào về tài sản ảo, và các vật phẩm trong game chưa được công nhận như một loại tài sản.

Thị trường tài sản ảo tại Việt Nam trong một năm qua tăng giảm giá khá bất thường và chịu sự tác động rất lớn của chính sách từ các nhà phát hành game, thậm chí chịu cả sự tác động của… hacker.

Trong bối cảnh bất ổn định đó, thị trường tài sản ảo vẫn có một điểm rất ổn định, thậm chí có chiều hướng tăng dần: nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả tiền mặt để đổi lấy vật phẩm trong GO của gamer.

Và vì chưa có luật, các nhà cung cấp GO tại Việt Nam tự xây dựng cho mình những quy định riêng. Đối với FPT, nhà phát hành 2 GO MU, PTV thì tài sản ảo được công nhận và được doanh nghiệp này bảo hộ.

Các giao dịch có thể tiến hành trên “sàn giao dịch” của doanh nghiệp. Một số nhà phát hành khác như AsianSoft, VTC thì trực tiếp bán vật phẩm trong GO của mình cho gamer.

Còn đối với VLTK, GO thu hút game thủ hàng đầu hiện nay, tài sản ảo không hề được công nhận. Bất chấp điều này, các giao dịch, mua bán vật phẩm trong GO vẫn diễn ra, liên tục.

  • Tài sản ảo giá bao nhiêu?

Theo tỷ giá từ M4G, giá quy đổi ngân lượng trong GO VLTK thành tiền mặt hiện nay là 100 ngàn vạn bán được khoảng 5 triệu đồng. Hiện VLTK có hơn 30 cụm máy chủ đã mở lâu ngày, có lượng tiền vạn nhiều.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, mỗi máy chủ cũ này có tổng cộng hơn 100 triệu vạn lượng, nếu có thể chuyển toàn bộ thành tiền mặt, giá trị ngân lượng trong mỗi máy chủ tương đương 5 tỷ đồng. 30 máy chủ là hơn 450 tỷ đồng. Đây là con số ước tính đã có giảm đi rất nhiều, thực tế lượng tiền game trong GO VLTK còn lớn hơn.

Tuy nhiên, con số 450 tỷ đồng này chỉ để tham khảo, để nói đến số tài sản như một kho tàng khiến cho tội phạm mạng thèm muốn. “Sẽ không ai bỏ hàng chục tỷ đồng ra để mua ngân lượng trong game như tính toán này, con số hàng trăm tỷ đồng này không có thực tế giao dịch”, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VinaGame, nhà phát hành GO VLTK bày tỏ quan điểm.

Theo điều tra của chúng tôi, số người chơi game chấp nhận bỏ tiền thường xuyên để “nuôi” nhân vật yêu thích của mình là không ít.

Minh, một Việt kiều Mỹ sinh năm 1978, là một ví dụ về khả năng “đầu tư” cho nhân vật của mình, tổng số tiền mua các vật phẩm trong GO đã hơn 50 triệu đồng. Còn với các game thủ Việt Nam có thu nhập ổn định như kỹ sư, bác sĩ… việc bỏ ra mấy triệu đồng cho một món đồ trong GO đã không còn là chuyện lạ.

Vậy tổng giá trị giao dịch của tài sản ảo hiện nay là bao nhiêu? Không nhà cung cấp GO nào có thông báo con số này, tuy nhiên, những người am hiểu khẳng định rằng: chỉ tính riêng ở MU và VLTK, 2 GO có giá trị giao dịch tài sản ảo sôi động nhất hiện nay, giá trị giao dịch đối với tài sản ảo của các game thủ đã là hàng tỷ đồng!

Với lượng “tài sản” lớn mà sự răn đe của luật pháp nhẹ, tài sản ảo trong GO như là mảnh đất màu mỡ của các tội phạm mạng. Một hacker chiếm giữ, “lột sạch” các tài khoản GO và bán được hàng chục triệu đồng, “an toàn” hơn rất nhiều so với các hacker quậy phá như Bùi Minh Trí!

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục