
Vào thời điểm này, nhiều người thường được nghe đến các dự án xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại (ST, TTTM). Có phải tốc độ tăng trưởng tại các ST, TTTM là tiền đề để hàng loạt ST-TTTM tiếp tục ra đời trong thời gian tới?
- Doanh thu tăng mạnh
Tốc độ gia tăng trong đầu tư của các tập đoàn bán lẻ và kinh doanh siêu thị gần đây cho thấy một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này tại VN. Theo Bộ Thương mại, thị trường bán lẻ của Việt Nam được đánh giá mỗi năm đạt doanh thu hơn 20 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng đến 30%/năm, với gần 85% người dân thành thị ở khu vực phía Nam thường xuyên mua sắm tại các ST-TTTM. Tuy vậy, tỷ trọng hàng hóa lưu thông qua các kênh phân phối hiện đại hiện chỉ chiếm 10% trong tổng lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn cả nước. Theo các chuyên gia, con số này sẽ nhanh chóng bị đảo ngược bởi nhu cầu mua sắm văn minh, hiện đại ngày càng tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho biết, tốc độ tăng trưởng và doanh thu của hệ thống Co.opMart trong những năm gần đây đã đạt 20%/năm. Tại hệ thống siêu thị BigC, sau nhiều năm được phép… lỗ theo kế hoạch thì đến năm 2006 hoạt động kinh doanh tại đây đã bắt đầu có lời. Tương tự, tại TTTM Zen Plaza, doanh thu cũng đã tăng khá cao so với thời điểm mới khai trương. Đây chính là lý do khiến các tập đoàn bán lẻ nước ngoài liên tục nhòm ngó vào VN.
- Hàng loạt trung tâm được xây dựng mới
Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn bất động sản Quốc tế CBRE, hiện TPHCM có khoảng 90.000m2 diện tích TTTM dành cho thuê, và 92% diện tích đã được thuê. Các TTTM có lợi thế kinh doanh, giá cho thuê trung bình khoảng 140 USD/m2/tháng. Đây là mức giá cao ngất ngưởng, ngang hàng với Singapore, Hồng Công hoặc Bangkok (Thái Lan)… nhưng hầu như lúc nào việc cho thuê TTTM cũng ở trong tình trạng “sốt”, thiếu mặt bằng! Và vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực đầy hấp dẫn này. Ngoài những diện tích đã cho thuê, theo thống kê chưa chính thức, TPHCM hiện còn khoảng 150.000m2 diện tích dành cho bán lẻ đang được xây dựng để đưa vào hoạt động trong thời gian tới như Hùng Vương Plaza, Saigon Paragon, Times Square, Saigon Peal… Riêng Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hiện đang sở hữu hơn 10 dự án xây dựng TTTM-ST, vốn đầu tư trung bình từ 40-50 tỷ đồng/dự án, thậm chí có dự án tổng vốn đầu tư lên tới 120 triệu USD như dự án cải tạo Thương xá Tax thành TTTM Quốc tế…
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm văn minh, hiện đại, sắp tới hàng loạt ngôi chợ của TP sẽ chuyển công năng thành các ST-TTTM như chợ Bà Chiểu, chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Văn Thánh. Mặt bằng nhiều chợ đầu mối đã được di dời như chợ cá Chánh Hưng, chợ cá Xóm Củi, Sân cá 50 Phan Văn Khỏe, mặt bằng 252 Trần Văn Kiểu… cũng sẽ “biến” thành các ST và TTTM hoặc kho cung ứng hàng hóa.
- ST-TTTM về các tỉnh
Các TTTM không chỉ tăng nhanh tại TPHCM và Hà Nội, mà sẽ còn “mọc” lên rất nhiều tại các tỉnh, thành khác. Nha Trang có dự án khu liên hợp Hòn Ngọc Việt (đảo Hòn Tre) do Công ty TNHH Hòn Tre đầu tư. Ngoài các khu vui chơi giải trí, mua sắm… tại đây còn có hệ thống cáp treo vượt biển dài nhất thế giới với 3.310m (dài hơn nhiều lần so đường cáp treo của Singapore tới đảo Sentosa). Chỉ riêng kinh phí dự án này đã ngốn hết 105 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, các khu thương mại cao cấp cũng được bao gồm trong dự án đa chức năng Indochina Riverside Towers với tổng vốn đầu tư 27 tỷ USD (100% vốn đầu tư nước ngoài của Công ty TNHH Indochina Tower), bao gồm 2 tòa tháp với các khu thương mại văn phòng và căn hộ cho thuê. Tại Vũng Tàu có Đông Hải Building…
Ngoài ra, Satra đã cùng với Saigon Co.op liên kết để xây dựng các siêu thị với tổng vốn đầu tư khoảng từ 45-55 tỷ đồng/dự án. Trước mắt, Satra – Co.opMart sẽ triển khai xây dựng 2 siêu thị tại Đà Nẵng và Long Xuyên. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cũng đang tiếp tục triển khai các dự án liên kết với các tỉnh để nhanh chóng phủ kín ST-TTTM tại nhiều tỉnh thành khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Nguyên, Đồng Nai…
Có thể khẳng định, với việc đầu tư sâu, rộng các doanh nghiệp đã và đang từng bước hình thành nên các không gian phân phối và mua sắm văn minh, hiện đại, làm thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn trong việc phát triển hệ thống bán lẻ.
Thông tin liên quan |
Bài 1: “Lên đời” tiệm tạp hóa |
THÚY HẢI