Chuyển động thị trường bán lẻ

Bài 1: “Lên đời” tiệm tạp hóa

Bài 1: “Lên đời” tiệm tạp hóa

Sau khi Saigon Co.op quyết định khai trương cùng một lúc 12 cửa hàng Co.opMart vào đầu tháng 7-2006 vừa qua, ngay lập tức Công ty TNHH G7Mart vào cuộc bằng cách cho khai trương hàng loạt các cửa hàng G7Mart, chủ yếu được nâng cấp từ các tiệm tạp hóa. Tổng giá trị của dự án G7Mart lên tới 395 triệu USD.

Cuộc đua

Bài 1: “Lên đời” tiệm tạp hóa ảnh 1
G7 Mart số 42 Trần Cao Vân quận 3 (TPHCM), hệ thống bán lẻ do doanh nghiệp trong nước tổ chức đã thu hút được khách hàng.

Sáng thứ bảy, ngày 1-7-2006, khu dân cư Vĩnh Hội, đường Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 bỗng sôi động hẳn lên. Hỏi ra, chúng tôi mới biết hôm nay là ngày khai trương Cửa hàng Co.opMart thuộc Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ (HTX TMDV) phường 6, quận 4 (thành viên của Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM – Saigon Co.op), một trong 12 cửa hàng đầu tiên trong kế hoạch đưa vào hoạt động 50 cửa hàng trong năm 2006 của hệ thống Saigon Co.op.

Cửa hàng bán lẻ của HTX trước đây xập xệ, nay được trang hoàng đẹp đẽ, hàng hóa sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt, gắn bảng hiệu sáng choang.

Anh Châu Thuận, Chủ nhiệm HTX TMDV P6, Q4 cho biết, cửa hàng bây giờ không chỉ được đầu tư khang trang, bán những mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân quanh khu vực, mà còn làm đại lý phân phối sản phẩm cho các công ty liên doanh, các tập đoàn đa quốc gia. Nhờ vậy, thu nhập cũng như số lượng xã viên tham gia vào HTX ngày càng tăng.

Cùng với Saigon Co.op, Công ty G7Mart cũng là đơn vị “khuấy động” thị trường bán lẻ trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây. So với cửa hàng Co.op, các cửa hàng của G7Mart có quy mô lớn hơn nhiều, chủng loại hàng hóa cũng đa dạng, phong phú hơn. Nếu mức đầu tư cho một cửa hàng Co.opMart chỉ dừng ở mức 36 – 40 triệu đồng thì G7Mart tăng lên 100-150 triệu đồng…

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT của G7Mart cho biết, nếu không có gì trục trặc, trong tháng 7 và tháng 8-2006, sẽ có khoảng 500 cửa hàng đi vào hoạt động trên cả nước, dựa trên hệ thống cửa hàng tạp hóa đang hoạt động từ trước đến nay. Dự kiến, đến năm 2010 sẽ phát triển thêm 5.000 cửa hàng do G7Mart trực tiếp quản lý. Riêng trong tháng 7 và 8-2006 sẽ có 9.500 cửa hàng thành viên của G7Mart chính thức khai trương.

“Cách mạng” cho ngành bán lẻ

Cũng theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cùng với việc kinh doanh nhóm 5 ngành hàng (hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, rượu bia nước giải khát, thuốc lá, hàng phi thực phẩm), G7Mart sẽ cung cấp các dịch vụ tiện ích lần đầu tiên xuất hiện tại VN như “thẻ tiện lợi”, “dịch vụ thanh toán tiện lợi” dành cho các khách hàng không có thời gian để thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, “bán hàng qua catalogue”… Dự kiến đầu năm 2007, các dịch vụ này sẽ được giới thiệu tại hệ thống cửa hàng G7Mart.

Về phía Saigon Co.op trước mắt, chỉ chú trọng đầu tư và nâng cấp cửa hàng của các HTX thành viên, sau đó tiếp tục tìm mặt bằng để hình thành các cửa hàng Co.opMart mới. Nếu HTX nào thiếu vốn, liên hiệp sẽ rót vốn để đa dạng hóa chủng loại ngành hàng, hiện đại hóa kinh doanh. Theo kế hoạch, Saigon Co.op sẽ đạt 100 cửa hàng Co.opMart vào năm 2007. Đồng thời, Saigon Co.op phấn đấu để đạt con số 50 siêu thị vào năm 2010.

Gần đây, Saigon Co.op cũng đã “lấn sân” vào các khu dân cư, các trung tâm thương mại để hình thành các siêu thị, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân.

Nhà sản xuất vào cuộc

Trước sự “ra quân” hùng hậu của các nhà phân phối thì các “đại gia” hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng nhanh chóng triển khai hệ thống các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm cho riêng mình.

Một trong những đơn vị đi đầu trong việc nhân rộng các cửa hàng chuyên ngành đó là Vissan. Chỉ trong nửa cuối tháng 7-2006, Vissan đã khai trương thêm 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm tự chọn, nâng tổng số lên gần 30 cửa hàng, hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau của thành phố. Dự kiến trong quý IV, Vissan sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 cửa hàng nữa.

Vào các cửa hàng của Vissan, người tiêu dùng còn bắt gặp được nhiều loại thực phẩm thiết yếu của các DN khác như Kinh Đô, Đức Phát; Vinamilk… Theo ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Satra đã gợi ý một số đối tác từ Mỹ cung cấp máy móc thiết bị cho Vissan để sản xuất một số loại thức ăn nhanh. Satra sẽ “rót” cho Vissan khoảng 2 triệu USD để phát triển nhanh mạng lưới bán lẻ trên địa bàn toàn quốc.

Bên cạnh đó, nhiều “đại gia” trong các lĩnh vực may mặc, chế biến thủy hải sản như Việt Tiến, May Nhà Bè, May Phương Đông, Công ty Chế biến thủy hải sản APT, Agifish, Bánh Kinh Đô,… cũng đang “hướng nội” bằng cách liên tục mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Chỉ trong thời gian rất ngắn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã mở 36 siêu thị Vinatex trên địa bàn cả nước.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, ngoài việc tăng cường đầu tư về vốn, nhân lực thì yếu tố sống còn là các DN phải liên kết để tạo sức mạnh. Cách làm của Satra là sẽ quản lý khép kín toàn bộ từ nguyên liệu sản xuất cho đến bao bì đóng gói, sử dụng tối đa lợi thế sẵn có từ các DN thành viên. Đa dạng hóa sản phẩm gắn với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối để chiếm thị phần là ưu tiên hàng đầu của Satra hiện nay.

THÚY HẢI
 

Tin cùng chuyên mục