Đêm trao giải Bài hát Việt 2010 vào tối 27-2 vừa qua đã khép lại năm thứ 5 của chương trình Bài hát Việt. Chặng đường 5 năm chưa thể phản ánh một cách đầy đủ về độ thành công của một chương trình. Song rõ ràng, Bài hát Việt (BHV) đã là một sân chơi thú vị, ấn tượng và đầy hấp dẫn với các nhạc sĩ trẻ. Từ đây, một vài ca khúc, một vài gương mặt nhạc sĩ trẻ được công chúng biết mặt, biết tên…
Tác phẩm giá trị đến công chúng
Trước tình hình nhạc thị trường ngày càng tràn lan, sự dễ dãi của cả người sáng tác lẫn người thưởng thức đang dần đẩy nhạc Việt bước vào giai đoạn khủng hoảng, thiếu vắng những tác phẩm âm nhạc thật sự, năm 2005, Đài Truyền hình Việt Nam khởi xướng cuộc chấn hưng âm nhạc trong lĩnh vực bài hát và chương trình BHV ra đời với định kỳ mỗi tháng tổ chức một live show.
Với tiêu chí “Không nhạc thị trường; không lặp lại cái hay cũ về mặt ngôn ngữ; cởi mở về đề tài, phong cách và thể loại; tiếp nhận cái mới cái đương đại của thế giới nhưng vẫn giữ cốt cách, nét đặc sắc của văn hóa Việt”, điều này xem ra không dễ dàng và là bài toán hóc búa với giới sáng tác trẻ. Đó cũng là một phần nguyên nhân của việc những năm đầu tiên người nghe nhạc khó tiếp nhận, đồng cảm và yêu mến những ca khúc xuất hiện trong BHV, kể cả những ca khúc đoạt giải. Cái mới, cái khác lạ cần phải có thời gian, với âm nhạc, thời gian thẩm thấu một ca khúc mới không thể chỉ sau một vài live show. Bằng sự kiên trì, BHV đã gặt hái thành quả đáng khích lệ. Một số ca khúc, nhạc sĩ bước ra từ BHV đã gây ấn tượng tốt và được công chúng yêu nhạc biết đến.
Có thể kể như: Con cò sáng tác của Lưu Hà An qua phần trình diễn của ca sĩ Tùng Dương; Thềm nhà có hoa của Thanh Tâm, Hải Yến trình bày; Bà tôi của Vĩnh Tiến qua tiếng hát của Ngọc Khuê; Giấc mơ của tôi (Anh Quân) qua giọng ca Phương Anh; Giấc mơ trưa (Giáng Son) do Khánh Linh hát; Chuông gió (Võ Thiện Thanh) do Thu Minh thể hiện; À í a (Lê Minh Sơn) do Trọng Tấn biểu diễn… Điểm lại để thấy, hầu hết những tác phẩm đoạt giải từ BHV đều thể hiện rõ tính sáng tạo, sự tìm tòi thể hiện cái mới, cái lạ và quan trọng hơn những tác phẩm ấy đã đi vào lòng công chúng nghe nhạc.
Có được thành công ấy, công lớn thuộc về Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) gồm những nhạc sĩ có uy tín như: An Thuyên, Tôn Thất Lập, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Nguyễn Ngọc Thiện, Lê Quang, Võ Thiện Thanh, Anh Quân… Bằng kinh nghiệm của người đi trước, bằng con mắt tinh đời và khát khao thay đổi, các nhạc sĩ đã phát hiện để đưa những tác phẩm âm nhạc có giá trị đến được với người nghe. BHV đã thật sự là một sân chơi cho cả tác giả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, đều có cơ hội được giới thiệu, được thể hiện những sáng tác mới. Chính sự không phân biệt này mà cơ hội tỏa sáng dành cho tất cả những sáng tác là như nhau, đồng thời BHV còn góp phần giúp thị trường nhạc Việt tìm ra thêm những tác giả tài năng và những ca khúc hay.
Chặng đường dài
Từ BHV xuất hiện một thế hệ nhạc sĩ trẻ tiềm năng và một số ca khúc khá hay, có chất lượng nghệ thuật. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập khẳng định: “Những thành tựu BHV đạt được trong 5 năm qua vẫn có phần khiêm tốn, nhưng BHV đã có lời giải cho những cái khó ban đầu. Đã lấp ló một thứ âm nhạc mới phù hợp với ngày hôm nay: giàu tính tiết tấu, hòa thanh phong phú, cấu trúc khá chặt chẽ, đa dạng về phong cách và vẫn ít nhiều có màu sắc Việt Nam nhưng đương đại hơn”.
Không nghi ngờ về chất lượng các bài hát được giải thưởng từ BHV nhưng vẫn có chút băn khoăn rằng, các bài hát ấy dường như vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc và đọng lại sâu lắng trong lòng đại chúng. Những tác giả trẻ như Lưu Thiên Hương, Tạ Quang Thắng và nhiều người nữa đều thừa nhận rằng, họ có nhiều cơ hội từ BHV. Khán giả biết đến họ, biết những ca khúc của họ nhiều hơn và BHV cũng là nơi để họ tự tin giới thiệu những sản phẩm tâm huyết, được đầu tư kỹ lưỡng. Nhưng nói gì thì nói, kết quả cuối cùng ai cũng mong muốn là thấy đứa con tinh thần của mình được vẫy vùng, được đón nhận nồng nhiệt trong hoạt động âm nhạc chung, chứ không chỉ bó hẹp phạm vi trong một sân chơi. Để có được điều ấy là một chặng đường dài...
NHƯ HOA