Đưa hơn 20 tấn gà đông lạnh vào Iraq là một công việc thường xuyên với Turfan Aydin, một tài xế xe tải Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đã làm công việc này trong nhiều năm. Nhưng hoạt động buôn bán qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq đã bất ngờ rơi vào cảnh chợ chiều sau cuộc tấn công của quân nổi dậy ở Iraq và vụ bắt cóc 80 công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ New York Times số ra ngày 24-6 cho rằng đó là bài học dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Vùng biên giới này từng được Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng cho phép các nhóm nổi dậy dễ dàng ùa sang chiến trường ở Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Điều đó đã biến Syria trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các nhóm chiến binh Hồi giáo Sunni, trong đó có Tổ chức nhà nước Hồi giáo tại Iraq và vùng cận Đông (ISIL), nhóm đã và đang trở thành đại họa cho cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ khi xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Iraq, bắt cóc công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, hàng trăm xe tải Iraq đang kẹt ở biên giới. Với sự trỗi dậy của ISIL, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả một giá đắt.
Soli Ozel, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir nói: “Sự thất thủ của Chính phủ Iraq tại Mosul là hình ảnh thu nhỏ của sự thất bại trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ 4 năm qua”. Những năm gần đây, chính sách “không có bất kỳ vấn đề nào với các nước láng giềng” của Thổ Nhĩ Kỳ được xem như kiểu mẫu về một nền dân chủ Hồi giáo với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc mở cửa thị trường Iraq với giá trị xuất khẩu sang Iraq đạt 12 tỷ USD hàng năm, chỉ đứng sau kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Đức.
Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Syria đã làm thay đổi tất cả. Việc giao thương với Syria gặp khó khăn, hàng trăm ngàn người tỵ nạn từ Syria tràn qua Thổ Nhĩ Kỳ buộc Ankara phải chi 1,5 tỷ USD chăm sóc cho họ.
Cũng trong những năm vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ xem cộng đồng người Kurd ở Iraq là một đối tác đáng tin cậy của họ nên không quan tâm đến các cuộc tranh giành quyền lực giữa người Hồi giáo Sunni. Vì vậy, họ thường im lặng trước đà trỗi dậy của các chiến binh Sunni cho đến khi vùng kinh tế giao thương quan trọng ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng. Tuy Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số bước đi cần thiết nhưng khá chậm.
Vào tháng 6, Ankara liệt nhóm Mặt trận Nusra, một chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, vào danh sách các nhóm khủng bố. Thủ tướng Erdogan cũng đã kêu gọi các nước châu Âu ngăn chặn chiến binh thánh chiến từ Syria và Iraq tràn vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc xung đột mới ở Iraq chỉ là một trong các thất bại về chính sách đối nội và đối ngoại của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và phát triển của ông. Trong nước, các cuộc biểu tình gần đây phản đối chính sách gây thảm họa với nguồn tài nguyên cũng như hàng loạt vụ bê bối tham nhũng kéo dài.
Số phận 80 người Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 31 tài xế bị ISIL bắt cóc vẫn chưa sáng tỏ. Người thân của họ đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào kể từ ngày họ bị bắt cóc. Vụ bắt cóc đã gây lo ngại cho nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là những người làm việc tại cửa ngõ biên giới.
KHÁNH MINH