Bài học phổ biến pháp luật ở quận Thủ Đức: Mưa dầm thấm sâu

Bài học phổ biến pháp luật ở quận Thủ Đức: Mưa dầm thấm sâu
LTS: UBND TPHCM đang tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại - tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn thành phố theo Đề án 1-1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để phối hợp tham gia với Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg của TPHCM, từ đầu tháng 10-2015, Báo SGGP đã mở chuyên mục “Pháp luật về khiếu nại - tố cáo” đăng trên Trang Nhịp cầu bạn đọc ra số thứ sáu hàng tuần, nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật về khiếu nại - tố cáo của cán bộ và nhân dân, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Rất mong nhận được thông tin và bài vở cộng tác của bạn đọc gửi đến qua email bandoc@sggp.org.vn.

Để người dân thực hiện đúng pháp luật, trước hết họ phải có kiến thức pháp luật. “Mưa dầm thấm lâu” là cách thức mà lãnh đạo cũng như cán bộ tư pháp quận Thủ Đức áp dụng hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại - tố cáo thời gian qua.

Bài học phổ biến pháp luật ở quận Thủ Đức: Mưa dầm thấm sâu ảnh 1

Các luật gia Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam về cơ sở để tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân

Tóm tắt kiến thức cô đọng, dễ nhớ

Nói về hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, các cán bộ tư pháp quận Thủ Đức cho rằng không dễ để định tính, định lượng. Thực sự hiệu quả của việc đưa kiến thức luật pháp đến người dân quận Thủ Đức được thể hiện qua cách làm rất bài bản và thuyết phục.

Có một thực tế trong công tác xây dựng luật ở nước ta những năm gần đây là có rất nhiều văn bản luật mới được ban hành, song chưa thật hoàn thiện; mỗi luật lại đòi hỏi phải có thêm hàng loạt văn bản hướng dẫn đi kèm, rồi phải ban hành tiếp nhiều luật sửa đổi, bổ sung… Do vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhiều và rối rắm, chồng chéo, khiến việc thực thi pháp luật, giải quyết khiếu nại - tố cáo và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khá phức tạp. Việc cập nhật, nắm vững luật mới đối với cán bộ chính quyền cơ sở, luật sư, luật gia đã khó, với người dân lại càng khó hơn. Để người dân dễ tiếp thu, dễ nhớ, các cán bộ tư pháp quận Thủ Đức có một cách làm hay và công phu, đó là xây dựng đề cương nội dung tuyên truyền đối với từng bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thiết thân với người dân địa phương. Nội dung đề cương tuyên truyền từng văn bản luật súc tích, tập trung làm rõ những điều luật quan trọng, vấn đề pháp lý có ý nghĩa thiết thực mà người dân cần biết. Đó là những kiến thức pháp luật cơ bản, ngắn gọn, để người dân dễ nhớ và dễ áp dụng trong đời sống. Đặc biệt, pháp luật về khiếu nại - tố cáo được chú trọng tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và thực thi đúng.

Được hỏi ý kiến nhận xét sau khi dự buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ông Trần Văn Thường (Ban quản trị chung cư Tam Phú, ở đường Cây Keo, phường Tam Phú) cho biết: “Các kiến thức pháp luật được trang bị giúp nhiều cho chúng tôi trong công tác quản trị chung cư. Đề cương do Phòng Tư pháp quận xây dựng rất gọn nhưng đầy đủ, giúp cán bộ ở cơ sở và người dân nắm rõ về trách nhiệm và quyền của mỗi người”.  

Phổ biến rộng rãi, nhiều hình thức

Việc xây dựng nội dung tuyên truyền như đã nêu chỉ mới là 50% công việc, việc tiếp theo là làm sao để đưa kiến thức pháp luật đến với cán bộ và người dân 12 phường trên địa bàn. Cách Phòng Tư pháp quận áp dụng là “mưa dầm thấm sâu” với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác nhau. Tùy theo tình hình thực tế ở mỗi khu vực và tùy theo đối tượng người dân mà có cách phổ biến phù hợp. Các luật liên quan đến việc thực thi quyền khiếu nại - tố cáo, Luật Tiếp công dân và Luật Đất đai được chú trọng, vì đáp ứng đúng yêu cầu tìm hiểu của cán bộ và người dân ở cơ sở. Phương pháp được áp dụng phổ biến là tổ chức tập hợp người dân đến để nghe phổ biến kiến thức pháp luật theo các đề cương đã xây dựng. Từ  đầu năm 2015 đến nay, Phòng Tư pháp quận đã tổ chức hơn 130 buổi tuyên truyền pháp luật đến người dân ở 12 phường. Ngoài ra, Phòng Tư pháp đã in ấn, phát hành trên 1.400 tài liệu, sách luật cung cấp cho người dân. Tại quận vùng ven, hệ thống loa truyền thanh vẫn được các phường sử dụng hiệu quả trong công tác phổ biến pháp luật. 

Đối với những người không có điều kiện đến nghe tập trung, không có thời gian nghe đài, thì bằng nguồn kinh phí nhà nước và xã hội hóa, hàng loạt tủ sách pháp luật ra đời. Tủ sách pháp luật không dừng lại ở cấp quận, mà đã có mặt ở toàn bộ 12 phường và đang tiến về các khu phố. Hiện nay, đã có trên 70 khu phố xây dựng được tủ sách pháp luật. Theo số liệu từ 12 phường, tủ sách pháp luật hiện có trên 7.000 đầu sách phục vụ người dân.

Lãnh đạo chính quyền các phường tại quận Thủ Đức đều có chung nhận xét: Việc chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại - tố cáo đã tạo được chuyển biến đáng kể trong nhận thức của cán bộ và người dân ở cơ sở về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần tích cực cho việc an dân và giữ gìn trật tự xã hội.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục