Các trường mầm non, tiểu học ở TPHCM
Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định sức khỏe, chất lượng bữa ăn ở trường cho học sinh, nhưng nhiều năm qua, nhân viên cấp dưỡng vẫn là nghề chưa được xã hội coi trọng. Với thu nhập bình quân chưa đến 3 triệu đồng/tháng, vị trí này đang khiến các trường lao đao trong việc tuyển dụng nhằm đảm bảo quy trình hoạt động. Vì sao như vậy?
Tuyển hoài vẫn thiếu
Mới đây, tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án thí điểm nuôi giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức, đại diện Trường Mầm non quận Tân Bình cho biết, một trong những khó khăn đơn vị đang gặp phải là nhiều năm qua không tuyển được nhân viên cấp dưỡng. Vị này bày tỏ: “Những năm học trước, ngoài yêu cầu chế biến thực đơn cho trẻ bình thường, bộ phận cấp dưỡng phải làm thêm hai thực đơn cho trẻ béo phì và suy dinh dưỡng. Năm nay mở thêm lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi, khối lượng công việc càng tăng lên trong khi cả trường chỉ có 5 nhân viên cấp dưỡng phục vụ hơn 780 suất ăn cho học sinh”. Đáp lại lo lắng này, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, khi thực hiện đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, việc chuẩn bị về mặt con người hết sức quan trọng. Do đó, đơn vị nào gặp khó khăn về nhân sự phải báo cáo ngay về sở để sớm có hướng giải quyết, tránh làm ảnh hưởng chất lượng chăm sóc trẻ.
Cần tăng thêm định biên nhân viên cấp dưỡng để “gỡ khó” cho các trường trong việc đảm bảo sức khỏe học sinh
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Phó hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 3 bày tỏ: “Năm nào trường cũng thiếu nhân viên cấp dưỡng do đội ngũ này thường xuyên biến động. Chỉ những người lớn tuổi, hạn chế về bằng cấp mới bám trụ công việc này lâu, còn lại đa phần các cô đều xin vào đây làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, khi bổ sung đầy đủ bằng cấp họ sẽ nghỉ việc tìm nơi khác thu nhập tốt hơn”. Bạn Nguyễn Hà Minh, cựu sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, từng có 3 tháng làm cấp dưỡng ở trường mầm non. Minh kể, hồi mới ra trường do chưa có việc làm, kinh nghiệm còn ít nên xin tập sự tại một trường mầm non ở quận 6. Công việc tuy nhiều nhưng lương chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Làm được thời gian ngắn Minh đã xin nghỉ việc, qua làm phụ bếp cho một nhà hàng ở quận 5, việc nhàn hơn mà thu nhập gần gấp đôi nơi cũ. Đây cũng chính là lý do khiến các trường lao đao vì thiếu nhân viên cấp dưỡng.
Mặc dù tại khoản 1, điều 6 của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do liên Bộ GD-ĐT và Nội vụ ban hành ngày 16-3-2015 quy định rõ, cứ 35 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ hoặc 50 trẻ tuổi mẫu giáo, nhà trường được ký một hợp đồng lao động nhân viên nấu ăn (còn gọi là cấp dưỡng - PV). Song, trên thực tế quy định này rất khó thực hiện do không có nguồn tuyển, nếu tuyển được cũng khó giữ chân nhân viên.
Quy định làm khó nhân viên
Cấp dưỡng ở trường mầm non đã vậy, đối với khối tiểu học tình hình cũng không khả quan hơn. Nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, cấp dưỡng ở trường mầm non còn có việc làm trong hè (hiện nay, đa số trường mầm non đều mở lớp giữ trẻ trong dịp hè với mức thu học phí thỏa thuận với phụ huynh - PV) nhưng cấp dưỡng ở khối tiểu học chỉ làm việc 9 tháng/năm, 3 tháng học sinh được nghỉ hè các cô phải vất vả tìm việc khác. “Nhiều năm làm hiệu trưởng, tôi từng chứng kiến cảnh nhân viên của mình ban ngày đi làm cấp dưỡng, tối đến phục vụ ở quán ăn mới đủ tiền trang trải cuộc sống. Cứ sau mỗi dịp nghỉ hè lại có ít nhất 2 cô bỏ việc vì tìm được việc khác thu nhập cao hơn”, ông trăn trở. Tuy hiện nay chưa có báo cáo thống kê số lượng cấp dưỡng bỏ việc hàng năm ở các trường học, nhưng theo nhận xét của một chuyên viên phụ trách công tác bồi dưỡng của Sở GD-ĐT TP, mỗi năm đến đợt tập huấn lại thấy các trường gửi nhân viên mới đi học, nhiều trường hợp nhân viên đi học về được mấy tháng, khi Sở GD-ĐT xuống kiểm tra mới biết người đó đã nghỉ việc, còn người mới đang làm việc lại chưa qua tập huấn.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM với UBND quận 1, đại diện một trường tiểu học trên địa bàn quận 1 đã kiến nghị thành phố có chủ trương tăng thêm định biên đối với nhân viên cấp dưỡng, đồng thời có chế độ ký hợp đồng lao động 12 tháng/năm để giữ chân các cô yên tâm công tác. Bởi lẽ trước đây, các trường có thể linh động trích từ các khoản tiền tổ chức ăn sáng, tiền tăng ca ngày thứ bảy, giữ trẻ ngoài giờ, quỹ hội phụ huynh… để tăng thêm thu nhập cho cấp dưỡng, thì nay theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các đơn vị không được sử dụng nguồn thu từ quỹ phụ huynh để chi cho các hoạt động của nhà trường khiến thu nhập tăng thêm của đội ngũ này bị cắt giảm, đời sống các cô càng khó khăn hơn. Đầu năm học 2015-2016, sự việc một trường tiểu học ở quận 7 bị địa phương “tuýt còi” vì thu nhiều khoản cho quỹ phụ huynh, trong đó có khoản hỗ trợ cấp dưỡng, bảo mẫu 2 triệu đồng/tháng khiến không ít người “cười ra nước mắt”. Không biết đến khi nào cấp dưỡng mới có vị trí “chính danh” trong các trường mầm non, tiểu học hay ít ra có thể sống được bằng lương? Câu trả lời xin nhường lại cho các nhà quản lý.
MINH QUÂN