Bàn chuyện thực thi Luật Giáo dục 2019

Từ chuyện sách giáo khoa, đánh giá giáo viên, chế độ tiền lương, bằng cấp, liên thông, kiểm định chất lượng... được mổ xẻ rất thẳng thắn tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 (Luật số 43), diễn ra tại Trường ĐH Luật TPHCM.
Nóng chuyện sách giáo khoa

Các chuyên gia đều cho rằng vấn đề xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) là đúng đắn. Trước một băn khoăn về việc cần đưa ra góp ý các bộ SGK trước khi được chọn lựa, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, bản thân ông hiện vẫn là Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TPHCM - 1 trong 3 nhà xuất bản đang làm SGK hiện nay.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, việc thực hiện chương trình phổ thông mới được triển khai trong năm học 2020-2021 thống nhất trong toàn quốc. SGK chỉ là một trong những tài liệu để tổ chức dạy học. Quyết định "xã hội hoá" biên soạn SGK là một quyết định đúng đắn.

Bàn chuyện thực thi Luật Giáo dục 2019 ảnh 1 Các chuyên gia, nhà quản lý tham gia hội thảo 
Về quy trình làm sách, theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, trước khi thực hiện việc biên soạn, Bộ Thông tin - Truyền thông đã ra quyết định 6 nhà xuất bản được tổ chức bản thảo và cấp phép sách giáo khoa. Trên thực tế, các nhóm tác giả đã chọn 3 nhà xuất bản để xin phép xuất bản.
Bộ GD-ĐT đã soạn thảo các văn bản quy định về Hội đồng thẩm định sách, Bộ trưởng ký duyệt danh sách Hội đồng thẩm định. Tất cả các bản thảo đều được Hội đồng thẩm định môn học thông qua và sau khi có quyết định cuối cùng của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng sẽ xem xét và ra quyết định những cuốn sách nào được phép sử dụng trong nhà trường phổ thông.

Không ai ngoài Hội đồng thẩm định được góp ý SGK vì bản thảo không được đưa ra ngoài trước khi Bộ trưởng ký quyết định ban hành. Bản thân tác giả, nhóm tác giả cũng chỉ có quyền trình bày bản thảo và chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ.

Về vấn đề chọn lựa SGK, TS Hồ Sĩ Anh, Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng: Nên chăng ở những địa phương lớn như Thanh Hoá có thể được chọn 1-2 bộ SGK để đáp ứng sự khác nhau về điều kiện vùng miền.

Trước ý kiến này, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM lại băn khoăn: Nếu việc chọn lựa SGK thực hiện tới cấp huyện thì chuyện gì sẽ xảy ra? Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, từ sự khác nhau nhiều giữa các bộ sách có thể dẫn tới hệ lụy làm vỡ hệ thống hơn cái mà học sinh đạt được.

Cũng liên quan đến vấn đề SGK, PGS-TS Đỗ Minh Khôi, Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật hành chính nhà nước Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông và SGK là hai vấn đề hoàn toàn độc lập trong hệ thống giáo dục và pháp lý. Tuy nhiên có nhận thức không phân biệt giữa chương trình và sách dẫn đến sự không đồng thuận trong đổi mới biên soạn SGK. Quan điểm về mỗi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông có thể có một số SGK thay cho bộ sách nhà nước biên soạn trước đây là đúng.

Tuy nhiên những thay đổi này chỉ trong biên soạn SGK phổ thông, những nội dung khác như phi tập trung hoá thẩm quyền chọn SGK để sử dụng, biên soạn tài liệu giáo dục theo đặc thù địa phương chưa thay đổi triệt để và chưa được quy định chi tiết... Do đó, cần có cơ chế giám sát kiểm tra những hoạt động liên quan đến phân định thẩm quyền về SGK, tài liệu học tập giữa Bộ GD-ĐT và UBND cấp tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng SGK phổ thông, tài liệu học tập và tạo sự thống nhất trong sử dụng.

Đặc biệt, cần xác định tiêu chí để đánh giá chất lượng SGK. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, đến người học và người dạy mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và cả hoạt động thị trường viết và xuất bản SGK. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện những nội dung quy định của Luật Giáo dục liên quan đến SGK phổ thông.

Chờ các văn bản dưới luật

TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Trường ĐH Luật TPHCM khẳng định: Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14-6-2019 có 9 chương, 115 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 (và Luật sửa đổi, bổ sung 2009).

Nhìn một cách tổng quát, Luật số 43 có những điểm mới cơ bản sau: Mục tiêu giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi, nhấn mạnh yếu tố “sáng tạo cá nhân” và hội nhập quốc tế, chú trọng hơn nữa việc coi người học là trung tâm, điều quan trọng nhất là làm sao mỗi người có được năng lực tự nhận thức mình, có khả năng lựa chọn con đường phát triển, thông qua giáo dục để thực hiện được ước mơ, đồng thời đóng góp cho lợi ích toàn xã hội; làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục; văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân mở rộng hơn, ghi nhận văn bằng trình độ tương đương; không phân biệt loại hình đào tạo, (văn bằng, chứng chỉ do các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau); bổ sung chính sách phát triển giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên; quy định về chủ sở hữu trường công lập và bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường; quy định nhà giáo được ưu tiên hưởng tiền đặc thù, xếp lương theo vị trí việc làm; nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật; quy định chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm...

Bàn chuyện thực thi Luật Giáo dục 2019 ảnh 2 TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Trường ĐH Luật TPHCM trình bày tham luận tại hội thảo
Theo TS Thái Thị tuyết Dung, với hàng loạt những quy định mới đó, các văn bản dưới luật cần được ban hành chi tiết các nội dung trên để khi áp dụng không bị vênh, va đập, mâu thuẫn.
Đơn cử như cần quy định chi tiết việc chuyển đổi loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, đảm bảo nguyên tắc: (1) Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; (2) Thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo; (3) Bảo đảm quyền của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học; (4) Không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản.
Đặc biệt, quy định chi tiết về chính sách đối với nhà giáo theo hướng tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình; Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi; Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chính các thầy cô, các nhà quản lý các trường sư phạm, trường phổ thông... là chủ thể chính cần phải có tiếng nói để góp ý xây dựng các hệ thống văn bản dưới luật để làm sao cho luật thật sự đi vào cuộc sống.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng: Tôi nghe rất nhiều trường râm ran rằng rất khó để mà áp dụng Luật số 43. Vì vậy, chúng ta hãy tận dụng và mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng với ban soạn thảo để cho ra các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật cho tốt.  

Tin cùng chuyên mục