Băn khoăn quy định cấp thị thực điện tử cho công dân các nước

Sáng 18-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Cần có chính sách ưu đãi cụ thể để phát triển hệ thống đường sắt

Theo ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), chính sách phát triển đường sắt cần bổ sung việc đầu tư đường đôi Bắc - Nam và nếu làm được thì mỗi ngày có thể có vài trăm chuyến, thời gian cũng có thể được rút ngắn còn hơn 10 giờ thay vì đi từ Hà Nội - TPHCM mất 32 giờ như hiện nay.

Cũng theo ĐB, trong các ưu đãi để đầu tư đường sắt, dự luật không có chương quy định về tiếp cận vốn để nhà đầu tư có thể nhìn được tương lai. Do đó, dự luật nên quy định trình tự tiếp cận vốn ưu đãi để khi luật được ban hành là họ có thể tiếp cận được ngay, từ đó đầu tư cho lĩnh vực này thay vì chờ các hướng dẫn sau.

ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhấn mạnh, giao thông là huyết mạch của sự phát triển, yêu cầu đặt ra là phải phát triển giao thông đồng bộ theo các lợi thế sẵn có. “Tôi thấy cần dành nguồn lực đầu tư đấu nối với 2 tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, cũng như đầu tư cho đường biển vì nơi nào cũng có cảng”, ĐB Trần Xuân Hùng nói và nhấn mạnh thêm để phát triển hệ thống đường sắt thì cần bổ sung đối tượng ưu đãi trong hoạt động kinh doanh đường sắt; bổ sung quy định khuyến khích hoạt động đầu tư trong kinh doanh đường sắt…

ĐB Đặng Hoàng Tuấn (Long An) cho rằng, vấn đề xã hội hóa và kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực đường sắt hiện nay rất khó bởi vấn đề hoàn vốn lại cho nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm, đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư cho ngành đường sắt phát triển. Trước mắt, cần nâng cấp các tuyến đường hiện có; khi đầu tư mới thì phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nếu kêu gọi đầu tư vào ngành đường sắt thì hiện chỉ có thể kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ như nhà ga, trạm dừng bởi tạo nguồn thu cho doanh nghiệp.

Phân loại để cấp thị thực điện tử

Liên quan dự thảo nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đa số các ĐB đều đồng ý với chủ trương này nhằm thu hút nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, du lịch. Tuy nhiên, ĐB Hồ Văn Thái (Kiên Giang), Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đều cho rằng, việc dự thảo nghị quyết cho phép áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả người nước ngoài là quá rộng vì đó là vấn đề mới mẻ, chưa được quy định trong luật liên quan đến xuất, nhập cảnh; chưa có kinh nghiệm nhân lực, vật lực nên nếu áp dụng rộng rãi sẽ khó khăn và ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh…

Theo ĐB Hồ Văn Thái, ban soạn thảo nên nghiên cứu thu hẹp đối tượng, có thể chỉ là khách du lịch, khách vào tìm cơ hội đầu tư… Việc thận trọng, chặt chẽ cũng phù hợp với văn bản là nghị quyết.

ĐB Đinh Công Sỹ cho rằng, vừa qua, xảy ra sự cố mất an toàn an ninh mạng trong lĩnh vực hàng không. Do đó, cơ quan triển khai phải có biện pháp kỹ thuật cần thiết, tránh nhập cảnh không đúng mục đích. Mặt khác, việc cấp thị thực điện tử chỉ nên thực hiện một số khâu như các nước đã làm như: khai, nộp, đề nghị cấp thị thực… và cuối cùng cá nhân vẫn phải trình diện. Cách làm này cũng vừa thuận tiện cho cá nhân có yêu cầu nhưng cũng tránh bị lợi dụng nhập cảnh để vi phạm pháp luật.

ĐB Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động thì nên phân loại các nhóm nước để cấp thị thực. Ví dụ như với các nước có nền chính trị ổn định thì cấp thị thực điện tử còn các nước có chính trị không ổn định thì áp dụng cách thức cấp thị thực truyền thống.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm, thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều người nước ngoài cư trú ở TPHCM mà không có visa, không thể trục xuất, làm việc bất hợp pháp… Vì vậy, việc cấp thị thực điện tử nên được áp dụng song song với cấp thị thực trực tiếp và tạo một số hàng rào kỹ thuật.

Cũng theo các ĐB, thời hạn áp dụng không nên bắt đầu từ 1-1-2017 vì thời gian gấp và công tác chuẩn bị sẽ gặp nhiều khó khăn.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục