Bán lẻ thích ứng làn sóng mới

Trước sức ép mới của thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ đang chủ động có những động thái “xoay trục” để thích ứng.

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng chậm. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm nay, các DN ngành bán lẻ đối diện với những thách thức mới như: lượng hàng tồn kho lớn, rủi ro lạm phát gia tăng, biến động tỷ giá, cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong ngành, suy thoái kinh tế toàn cầu và sức mua yếu…

Thêm vào đó, trong nội tại, ngành bán lẻ hiện chưa có sự tập trung, thiếu vắng những nhà bán lẻ vận hành quy mô lớn, nhất là với ngành liên quan đến thương mại điện tử nên chưa tạo được nguồn lực lớn để phát triển. Ngoài ra, nguồn lực của các DN bán lẻ trong nước vẫn còn “lép vế” so với nhà bán lẻ ngoại. Những khó khăn này đã và đang tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của toàn ngành. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 3.175 ngàn tỷ đồng (tăng 8,7% so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn từ năm 2015-2019).

Ngành bán lẻ đang có những thay đổi để thích ứng với xu thế

Ngành bán lẻ đang có những thay đổi để thích ứng với xu thế

Dù đối diện sức ép lớn, song theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Cụ thể, quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới. Bên cạnh đó, với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng, trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng trong những năm gần đây. “Việt Nam luôn là điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ. Không chỉ đối với các nhãn hàng cao cấp mà các lĩnh vực bán lẻ về thời trang, các hoạt động giải trí, ăn uống vẫn ghi nhận nhu cầu lớn nhờ đặc điểm nhân khẩu học tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đang thúc đẩy nhu cầu về các chủng loại sản phẩm mới, thương hiệu mới gia nhập thị trường”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nhận xét. Đó là về dài hạn, còn trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, trong kết quả khảo sát được Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam - Vietnam Report công bố ngày 22-9 vừa qua cho biết, bước sang những tháng cuối năm 2023, với những tín hiệu khả quan, DN kỳ vọng tình hình thị trường bán lẻ sẽ cải thiện.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, xuất phát từ lực đẩy của các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra như giảm lãi suất ngân hàng, tăng lương cơ sở và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã góp phần tăng sức kích cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các DN bán lẻ thời gian tới. Trong bối cảnh đó, ông Đức cho biết, các nhà bán lẻ phải cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh, số hóa trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị… “Bản thân các nhà bán lẻ và DN sản xuất phải có sự liên kết với nhau, vai trò của Hiệp hội các nhà bán lẻ cực kỳ quan trọng. Theo đó, chúng tôi sẽ liên kết các nhà bán lẻ, liên kết các khâu giá trị để có những hỗ trợ tốt hơn cho nhau. Ngoài ra, Hiệp hội các nhà bán lẻ sẽ liên kết với các hiệp hội khác như thương mại điện tử, du lịch… để kích cầu mang tính chất toàn diện thay vì mỗi ngành làm riêng lẻ và rời rạc như hiện nay”, ông Đức chia sẻ. Về phía Saigon Co.op, theo ông Đức, nhà bán lẻ này đang có những thương thảo với Saigontourist Group, Vietravel... thực hiện các chương trình kích cầu. Qua đó, kỳ vọng doanh thu của thị trường bán lẻ sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm 2023.

Tin cùng chuyên mục