Bán lẻ thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Để hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt của nhiều địa phương, ngay sau Tết, các nhà bán lẻ nội địa đã bắt tay cùng chính quyền địa phương đưa các sản phẩm như dưa hấu, thanh long… vào tiêu thụ trong các kênh bán lẻ hiện đại. Việc này không chỉ hỗ trợ nông dân có đầu ra ổn định mà còn giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm chất lượng, giá tốt.
Dưa hấu Kon Tum được tiêu thụ tại Co.opmart
Dưa hấu Kon Tum được tiêu thụ tại Co.opmart
Hỗ trợ tiêu thụ
Theo ước tính của ngành nông nghiệp, ngay sau tết, nhiều sản phẩm nông sản của các địa phương như Kon Tum, Đắk Lắk, Long An, Bình Thuận đến vụ thu hoạch với số lượng lớn. Tuy vậy do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc gặp khó, kéo theo giá dưa hấu, thanh long… bị giảm sâu. Điển hình như thanh long, giá thu mua thanh long ruột trắng có thời điểm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg.
Trước tình hình đó, để hỗ trợ nông dân, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa đã bắt tay cùng các địa phương thu mua nông sản và đưa vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ. Điển hình như Saigon Co.op. Nhận thấy vụ mùa năm nay có tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị ùn ứ ở cửa khẩu nên nông sản rớt giá, trong đó có dưa hấu đỏ của tỉnh Kon Tum nên đã nhanh chóng vào cuộc, chọn lọc và thu mua giá cao dưa hấu đỏ của nhà vườn, hợp tác xã ở Kon Tum. Đại diện Saigon Co.op cho biết, mặt hàng được chọn đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, yếu tố vi sinh để đưa vào chương trình bán hàng không lợi nhuận. Theo đó, có 40 tấn dưa hấu đỏ của Kon Tum được bán tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food khu vực TPHCM, Đông Nam bộ từ ngày 22 đến 26-2, giá chỉ 11.200 đồng/kg.
Ghi nhận từ hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cho thấy, suốt thời gian đơn vị này bán dưa hấu đỏ không lợi nhuận, có đến 4/5 khách hàng chọn mua dưa hấu. “Thông thường sau tết, sức mua có phần chững lại nhưng năm nay nhờ chính sách giá tốt kèm nhiều hoạt động khuyến mãi, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu nên sức mua khá tốt. Đặc biệt, mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả được luân phiên giảm giá nên luôn thu hút khách. Riêng dưa hấu do giảm giá sốc nên sức tiêu thụ tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường”, đại diện một siêu thị Co.opmart khu vực ĐBSCL chia sẻ. Ngoài dưa hấu đỏ Kon Tum, các siêu thị của Saigon Co.op tại Long An, Bình Thuận… cũng tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long.
Kết nối doanh nghiệp, địa phương
Theo đại diện của Saigon Co.op - kênh mua sắm hiện đại có mạng lưới rộng khắp cả nước đang phát triển từng ngày, nhu cầu kinh doanh nông sản của Saigon Co.op rất cao. Bản thân Saigon Co.op rất nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao để đưa vào kinh doanh. Bởi Saigon Co.op, ngoài việc bán trực tiếp nông sản tại hơn 800 siêu thị lớn nhỏ tại Việt Nam còn tham gia xuất khẩu một lượng lớn nông sản chất lượng cao sang thị trường Singapore, Nhật Bản. Do đó, Saigon Co.op luôn sẵn sàng tiếp nhận, hợp tác, hỗ trợ tạo cơ hội cho DN, nhà cung cấp các mặt hàng nông sản, đặc sản, nhất là nông sản Việt.
Cùng với Saigon Co.op, gần đây các nhà bán lẻ như WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+), Central Retail… cũng phối hợp cùng Sở Công thương các địa phương tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản. Thông qua đó, nhiều DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể đã được kết nối, đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Theo Sở Công thương các địa phương, DN bán lẻ thường có cửa hàng, siêu thị trải dài khắp cả nước nên qua kết nối sẽ tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã địa phương có cơ hội giới thiệu, cung ứng sản phẩm của mình trên thị trường nội địa.
Được biết, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa, các nhà bán lẻ đã liên kết với hàng ngàn hộ sản xuất trên cả nước, chủ động làm việc trực tiếp với các hộ sản xuất, hợp tác xã, DN cung ứng nông sản để có kế hoạch thu mua và bao tiêu sản lượng. Ngoài ra, nhà bán lẻ cũng chuyển giao quy trình quản lý chất lượng, bảo quản hàng hóa, hỗ trợ đầu tư thêm các hệ thống về kho tại các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất trọng tâm trong nước, giúp tạo ra một chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng, thu mua và bán lẻ khép kín.
Tuy vậy, theo các nhà bán lẻ, thời gian tới, để việc kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản địa phương vào các kênh bán lẻ hiện đại hiệu quả hơn, rất cần nông dân, hợp tác xã có sự liên hệ chặt chẽ với DN bán lẻ. Qua liên kết, nhà bán lẻ sẽ có định hướng về tiêu dùng, từ đó giúp người sản xuất có kế hoạch rõ ràng để sản xuất sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, hạn chế tình trạng được mùa rớt giá.

Tin cùng chuyên mục