Bánh chè lam

Bánh chè lam

Ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ, ngày tết thường có món bánh chè lam. Vào đầu xuân đi chúc tết, đến nhà ai cũng thấy món này. Quen là vậy mà nhẩn nha một miếng vẫn cứ thấy ngon và nhất là thấy ấm áp bởi vị ngọt đậm đà và hương gừng cay nồng đầu lưỡi.

Với nhiều người, bánh chè lam không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn chứa đựng cả những ký ức của đời người, từ cái thuở thiếu thời mong mỏi đợi chờ để được xem người lớn gói bánh chưng và nấu chè lam chuẩn bị đón tết.

Bánh chè lam ảnh 1

Làm chè lam.

Nguyên liệu để làm bánh chè lam rất đơn giản, chỉ là thóc nếp hoa vàng, mật mía, gừng cay, lạc, nha. Đầu tiên người ta đem thóc nếp vào rang bằng chảo gang, điều chỉnh lửa đủ độ để bỏng nếp được nở đều.

Sau khi sàng sẩy sạch, bỏng nếp được đem giã nhỏ, rây lấy bột mịn. Sau đó, chọn loại mật mía sạch và ngon đem nấu với nha, đun nhỏ lửa, còn gọi là canh mật, sao cho khi nhúng đầu đũa vào nhấc lên mật kéo thành sợi tơ trắng thì trộn bột, lạc rang, nước cốt gừng tươi vào trộn đều.

Khâu canh mật rất quan trọng vì nếu nấu quá kỹ thì chè lam sẽ bị cứng, khó ăn còn nếu nấu non thì chè lại bị nhão, mất ngon và không để được lâu. Sau khi đổ hỗn hợp đã trộn đều ra người ta còn phải nhào luyện thật kỹ để bánh chè lam được dẻo và ngon.

Có nơi, người ta cứ để cả bánh chè lam to, ăn đến đâu cắt ra đến đấy nhưng thường thì người ta cắt thành từng thanh nhỏ, lăn bột áo rồi gói kỹ để dùng dần. Bánh chè lam làm đúng quy trình có thể được khá lâu, ăn hết tháng giêng.

Ở miền Bắc, có nhiều nơi nấu chè lam ngon như Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội nhưng ngon nổi tiếng phải kể đến chè lam của làng Thạch Xá- Hà Tây. Chè lam ở đây được ca tụng là đặc sản của đất Phật, nơi có chùa Tây Phương nổi tiếng.

Bây giờ, chè lam ở đây đã được sản xuất công nghiệp với sức tiêu thụ trên dưới 10 tấn bánh/ngày, cả trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, người già trong làng vẫn bảo, chè lam được làm thủ công là ngon nhất. 

MỸ ANH

Tin cùng chuyên mục