Bánh gio

Bánh gio

Mâm cao cỗ đầy những ngày trong tết khiến người ta thấy thèm một món ăn gì đó thanh nhẹ hơn. Đó là lúc bánh gio (còn gọi là bánh tro) đắt hàng hơn bao giờ hết. Món bánh này lạ lắm, mùi thơm của nó hơi ngai ngái, nồng nồng nhưng cái vị của nó thì thanh nhã và mát hiếm có. Những tấm bánh bóc ra trong màu hổ phách, nổi bật trên lớp men sứ trắng bong, nhìn đã thấy hấp dẫn. Đã thế, màu vàng óng, thơm phức của thứ mật mía vừa lửa cứ như mời gọi.

Bánh gio ảnh 1

Bánh gio là thứ bánh phổ biến ở miền Bắc. Tuy nhiên, cách làm bánh gio cũng có ít nhiều khác nhau, chủ yếu là loại cây lá đốt để lấy tro khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là cách lấy hạt xoan chín, cùng rơm nếp. Người ta hòa tro với nước, lọc lấy nước trong để ngâm gạo nếp. Sau khi gạo ngâm kỹ, bấm tay thấy bở thì vớt ra để ráo.

Lá để gói bánh cũng khác nhau, có nơi dùng lá chít, có nơi lại dùng lá chuối hoặc lá dong để gói bánh nhưng ngon nhất vẫn phải là lá bương, còn gọi là cây lồ ồ, một cây thuộc họ tre trúc mọc nhiều ở rừng núi phía Bắc. Bánh gio không cần nhân, chỉ gạo nếp gói trong lá thành hình giống như bánh gù, hoặc nhỏ dài giống như bánh tẻ rồi cho vào nồi, đổ ngập nước luộc chừng vài tiếng. Khi bánh chín, hạt gạo dẻo và rền, lên màu xanh hoặc ngả vàng, trong như hổ phách là được. Bánh gio phải ăn với mật mía mới đúng vị. Người ta chọn loại mật mía ngon, đặc quánh, thơm lừng, khi ăn rưới nhẹ lên bánh hoặc rót ra bát con để chấm.

Bánh gio không những dễ ăn mà còn giúp dễ tiêu hóa. Chính vì vậy mà bánh gio càng được ưa thích vào những ngày lễ tết, hội hè. 

MỸ ANH

Tin cùng chuyên mục