Hôm qua 30-3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành và hàng trăm lãnh đạo cơ quan tuyên giáo, báo chí trên cả nước.
Năm khó khăn với giới báo chí
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, năm qua, những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển báo chí. Lực lượng báo chí trên cả nước đã có đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của đất nước thông qua hoạt động của mình là thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động mọi sức mạnh của toàn xã hội vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục đi lên. Năm qua, báo chí đã thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước.
Khó khăn chung của nền kinh tế năm 2011 và của doanh nghiệp đã tác động làm suy giảm doanh thu quảng cáo trên báo in. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng thể, doanh thu quảng cáo vẫn lớn hơn năm 2010 nhưng tỷ lệ tăng trưởng có giảm hơn so với những năm trước đó. Theo số liệu báo cáo của các cơ quan báo chí, tổng doanh thu quảng cáo báo in ước tính năm 2011 trên 1.700 tỷ đồng (năm 2010 khoảng 1.690 tỷ đồng). Tổng doanh thu năm 2011 ước tính khoảng 4.200 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách khoảng 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, năm qua, hoạt động báo chí còn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm như thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; thông tin bịa đặt ở một số tờ báo, sai sự thật…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đã biểu dương những nỗ lực, thành tích của đội ngũ làm báo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng chí yêu cầu báo chí tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, chiến đấu trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội.
Đối với những khuyết điểm, theo đồng chí Lê Hồng Anh tuy không lớn nhưng nếu vẫn tiếp tục mắc phải sẽ ảnh hưởng lớn tới nhận thức, sự đồng thuận của nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, các cấp quản lý, các cơ quan báo cần nhận thức rõ những sai phạm, hạn chế để khắc phục, xây dựng báo chí ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Khắc phục hạn chế, phục vụ tốt công tác đối ngoại
Một vấn đề nóng được đại diện nhiều bộ, ngành, cơ quan báo chí đưa ra tại hội nghị là chủ đề vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền tốt chống lại những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Theo bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, năm 2011, báo chí đóng vai trò tích cực trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với các cơ quan chức năng, báo chí đã phản bác có hiệu quả các thông tin sai trái về nhân quyền tôn giáo ở Việt Nam. Điểm nổi bật của năm 2011 là tình hình biển Đông, vốn là đề tài cấm kỵ trước kia, nay đã được thảo luận. Báo chí Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực trong bảo vệ biển Đông. Việc kiên quyết đấu tranh qua con đường ngoại giao và dư luận, kết hợp với thông tin từ báo chí quốc tế đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích của nước ta trên biển và được nhiều nước trên thế giới đồng tình, ủng hộ lập trường của Việt Nam trước các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, theo bà Nga, thông tin báo chí có ý nghĩa quan trọng trong đồng thuận, tranh thủ sự ủng hộ, vì vậy kiến nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin thành tựu đất nước, phối hợp với các bộ ngành, ngoại giao bảo vệ lợi ích đất nước; tăng cường định hướng thông tin cho báo chí trên cơ sở lợi ích quốc gia… Đối với vấn đề biển Đông, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo đường lưỡi bò, vì vậy, đòi hỏi sự sáng suốt, bình tĩnh, quán triệt quan điểm bảo vệ đất nước, duy trì hòa bình, kiên quyết với nước vi phạm… Do đó, cần tăng cường thống nhất quản lý thông tin tuyên truyền về biển đảo; đảm bảo chặt chẽ nội dung đúng thời điểm, tránh làm nóng vấn đề, không tạo cơ hội cho các thế lực thù địch có cớ chống đối; tăng cường tuyên truyền hiểu biết của nhân dân về chủ quyền biển đảo…
Cảm ơn sự ủng hộ của các cơ quan lãnh đạo, phóng viên báo chí trong việc tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhìn nhận, thời gian qua báo chí đã dành sự quan tâm đáng kể cho việc tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung theo hướng “toàn diện, sâu sắc, đúng đắn, phong phú và có hiệu quả tốt”, góp phần nâng cao nhận thức nhân dân, bạn bè quốc tế, đóng góp vào công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quân sự nói riêng. Tuy nhiên, vừa qua một số cơ quan báo chí vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như vẫn có tờ báo đưa thông tin để lộ, lọt bí mật; đưa thông tin thiếu kiểm chứng; một số thông tin bất lợi cho đối ngoại và không đúng thời điểm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, năm 2011 có nhiều sự kiện trong đó có việc Trung Quốc gây hấn trên biển Đông vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bắt ngư dân… gây bức xúc trong đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Báo chí đã lên án mạnh mẽ, cổ vũ, định hướng yêu nước của nhân dân. Trên cơ sở đó, ông Lập đề nghị các cơ quan cần kịp thời định hướng thông tin báo chí những vấn đề được coi là nhạy cảm, người dân quan tâm.
Liên quan đến chủ đề này, Thiếu tướng Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, cũng cho rằng, các thế lực thù địch sử dụng internet, chủ quyền biển đảo để bôi nhọ, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc khiến cho công tác phòng chống “diễn biến hòa bình” diễn ra gay gắt, phức tạp. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần nhập cuộc và chủ động thông tin với nhiều hình thức có chất lượng. Bên cạnh đó, xác định đối tượng tuyên truyền là cán bộ, đảng viên, nhân dân nên thông tin sao để cho bạn đọc khi tiếp nhận có sự đề kháng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ báo chí
| |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm khắc nhận rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác báo chí. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2012 báo chí cần tập trung tuyên truyền đưa nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng, các kết luận và nghị quyết của hội nghị Trung ương đi vào cuộc sống, trong đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt; gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Nghị quyết 11 của Chính phủ; công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng; xây dựng luật, trong đó công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992… là rất quan trọng.
Đồng chí Đinh Thế Huynh chỉ rõ: Công tác thông tin, tuyên truyền luôn được khẳng định như một giải pháp trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Do vậy, báo chí phải tiếp tục bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần chủ động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, sáng tạo bằng những hình thức hấp dẫn, sinh động, thuyết phục. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần tập trung sức nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo từ tổng biên tập, giám đốc, ban biên tập, ban lãnh đạo các cơ quan báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cả về nhận thức, bản lĩnh, sự nhạy bén về chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Bám sát thực tiễn đất nước, các cơ quan báo chí cần phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn và tiêu cực xã hội; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần kiên quyết khắc phục khuynh hướng thương mại hóa.
Đồng chí Đinh Thế Huynh yêu cầu cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí và từng cơ quan báo chí. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng, phát huy hơn nữa vai trò cơ quan chủ quản. Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban báo chí theo hướng đảm bảo đúng thành phần; giữ vững kỷ luật thông tin; tăng cường cung cấp thông tin, đối thoại, trao đổi giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí. Các cơ quan chức năng tăng cường cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho báo chí. Các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về báo chí. Lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử chủ động quan tâm hơn nữa tới quá trình tác nghiệp của phóng viên, quy trình biên tập, xuất bản báo của các tòa soạn để khắc phục một cách cơ bản sai sót, khuyết điểm trong thời gian tới.
NGỌC QUANG
Thông tin liên quan |
Báo chí tiếp tục phát huy tính tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực (*)