Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc

Sáng 8-12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an đến 63 điểm cầu công an các địa phương gồm hơn 2.000 đại biểu.

Dự hội thảo có các đồng chí: Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong mọi thời kỳ. 

Thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc được toàn vẹn, lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững thì nhân dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự; mới có điều kiện, môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước hùng cường.

Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc ảnh 2 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra một không gian chiến lược mới, đó là “không gian mạng”.

Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. 

Song song với đó, không gian mạng cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận, không gian mạng giờ đã thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt với chủ quyền đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. 

Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, thời gian qua, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng công an nhân dân luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. 
Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc ảnh 3 PGS-TS Phạm Minh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong khi đó, theo PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần đây là vấn đề khá mới và đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đất nước. Đây cũng là chủ đề của nhiều công trình nghiên cứu, của các hội thảo khoa học ở các cấp độ khác nhau, của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là của ngành công an. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung: Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, mối liên hệ biện chứng giữa không gian mạng và chủ quyền quốc gia; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; dự báo nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp, thậm chí xung đột giữa các quốc gia trong áp dụng chủ quyền không gian mạng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá về những kết quả, kinh nghiệm cũng như hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bật cập trong hoạt động không gian mạng.

Tin cùng chuyên mục