Trẻ hóa hút thuốc
Có mặt ở quán nước gần cổng một trường THPT trên địa bàn quận 10 (TPHCM) sau giờ tan học, nhiều nhóm học sinh túm tụm ngồi trò chuyện uống nước ở các quán cà phê cạnh trường, trên môi mỗi em là một điếu thuốc phì phèo phun khói. Tại một trường THPT khác trên địa bàn quận Tân Bình, sau giờ tan trường, nhiều em học sinh vẫn cố nán lại tụ tập thành từng nhóm tại các quán nước để chơi game giải trí. Điều đáng nói, trên tay mỗi em là một điếu thuốc, hết điếu này châm điếu khác, khói trắng bay mịt mù. Em H.T.T (17 tuổi, ở quận 10, TPHCM) cho biết: “Em hút thuốc lá được gần 1 năm nay, ban đầu chỉ là học theo bạn bè, dần dần thành thói quen khó bỏ. Em chỉ hút lén ở các quán nước hoặc đi chơi với bạn bè, còn về nhà thì không dám hút vì sợ bố mẹ phát hiện. Trung bình 2 ngày em hút hết 1 gói”.
Nâng cao nhận thức
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Đặc biệt xu hướng hút thuốc lá ngày càng trẻ hóa, với 21,6% thanh niên từ 16 - 24 tuổi hút thuốc. Nghiên cứu tình trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh ở độ tuổi 13 - 15 cũng cho thấy, tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17%; có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13 - 15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai.
Phần lớn người nghiện thuốc lá đều đã biết rõ về những tác hại đối với sức khỏe của bản thân. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể dễ dàng từ bỏ được thói quen hút thuốc. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định, hành vi sử dụng, mua bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt 100.000 - 300.000 đồng; bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt 500.000 - 1.000.000 đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc chiến chống thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi đó, một số người trẻ lại chưa nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn do thuốc lá mang lại. Anh Vũ Trọng Đại (40 tuổi, ngụ quận 10) cho biết: “Tại các quán cà phê, tôi vẫn thường nhìn thấy các bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên hút thuốc lá nhả khói mù mịt. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mình và những người xung quanh, mà đây còn là một hình ảnh không đẹp. Tôi nghĩ, trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường và cộng đồng xã hội là rất quan trọng, nên định hướng giúp các em biết được tác hại của thuốc lá và tránh xa từ khi còn nhỏ”.
Để ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá ở học sinh, sinh viên, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt hướng đến lối sống lành mạnh, tích cực; tuyên truyền thông điệp tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc hiệu quả hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong tăng cường quản lý cửa hàng buôn bán thuốc lá tại các địa điểm quanh trường học; cần xử lý nghiêm các hành vi bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Khó kiểm soát quảng cáo thuốc lá Điểm a khoản 1 và khoản 3 điều 50, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo, tiếp thị thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá vẫn lách luật và rất khó xử phạt. Phần lớn các công ty thuốc lá đều tuyển dụng tiếp thị thuốc là nữ và thông qua các mạng xã hội để né tránh sự kiểm tra xử phạt của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các pano, tờ rơi quảng cáo thuốc lá cũng được nhiều công ty trưng bày, dán dày đặc ở các tủ bán thuốc lá di động, cửa hàng tạp hóa, quán cà phê. |