Bao giờ mở rộng nút giao thông An Phú?

Đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng cấp bách không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo mỹ quan đô thị; thế nhưng, việc triển khai thực hiện cứ “đưa qua đẩy lại” giữa các cơ quan chức năng khiến nhiều dự án liên tục trễ hẹn.
Nút giao thông An Phú tại quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Nút giao thông An Phú tại quận 2, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ám ảnh kẹt xe

Nút giao thông An Phú quận 2, TPHCM, có lượng phương tiện lưu thông qua lại rất lớn và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do đây là nơi giao nhau của 3 hướng chính rất quan trọng của thành phố. Cụ thể, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào các cảng biển như Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận, Lotus...

Mặt dù, đường Mai Chí Thọ, hướng từ xa lộ Hà Nội về nút giao này có 4 làn đường dành riêng cho ô tô và đường hỗn hợp với 2 làn ô tô, 2 làn xe gắn máy. Tuy nhiên, đoạn đường này thường xuyên quá tải, khiến ô tô, xe container lưu thông ken kín cả 8 làn đường, thậm chí nhiều lúc xe máy muốn lưu thông không còn cách nào khác phải chạy lên vỉa hè. Ngoài dòng ô tô thường xuyên bị ùn ứ kéo dài trên đường cao tốc hướng vào trung tâm TP, thì dòng xe từ hướng cảng Cát Lái lên cao tốc cũng luôn quá tải.

Nhằm giảm bớt áp lực phương tiện ùn ứ cục bộ tại đây, đầu năm 2018, Sở GTVT TPHCM mở rộng phía đường dẫn cao tốc từ đường Mai Chí Thọ tới cầu Bà Dạt mỗi bên một làn đường rộng 3,5m, dài 150m. Đồng thời, đường nhánh từ đường Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc được mở rộng thêm một làn đường rộng 3,5m, dài 70m; từ đường Mai Chí Thọ đi đường Nguyễn Thị Định mở thêm một làn rộng 3,5m, dài 30m; mở 2 làn đường cho phép xe lưu thông 2 chiều từ đường Nguyễn Thị Định ôm công viên ngã ba An Phú bắt vào đường Mai Chí Thọ. Tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ là tình thế tạm thời nên tình trạng rối loạn giao thông ở nút giao này vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Hiệu ứng domino

Nhằm giải quyết cơ bản tình trạng trên, một trong những giải pháp được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra là phải xây dựng nút giao thông khác mức (gồm 3 tầng hầm chui, cầu trên cao và trên mặt đất) và dự kiến triển khai xây dựng từ nguồn vốn dư của dự án đầu tư cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, hiệp định vay vốn của dự án xây dựng đường cao tốc sẽ kết thúc vào tháng 7-2021, nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư nút giao An Phú không khả thi, nhất là trong điều kiện đang thực hiện tái cơ cấu các dự án của VEC.

Để tránh kẹt xe cho khu vực nút giao An Phú, UBND TPHCM giao các đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng nút giao An Phú bằng nguồn vốn ngân sách (chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2019-2020, thực hiện đầu tư giai đoạn sau năm 2020). Theo quy hoạch (giai đoạn 1), dự án đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú gồm cầu vượt và hầm chui. Cụ thể, xây dựng đường hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn và ngược lại. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.047 tỷ đồng.

Việc chậm triển khai dự án khiến tình trạng kẹt xe không chỉ tại nút giao này mà còn gây hiệu ứng domino, khiến giao thông phức tạp lan ra nhiều khu vực lân cận. Bên cạnh đó, không chỉ dự án này mà gần như toàn bộ các dự án chậm triển khai đều bị đội vốn, tăng chi phí so với phê duyệt ban đầu.

Trong thời gian triển khai dự án, trước mắt Sở GTVT TPHCM sẽ thực hiện một số giải pháp bổ sung như mở mới nhánh rẽ từ đường dẫn cao tốc xuống đường Đỗ Xuân Hợp để giảm bớt lượng xe tập trung về nút giao này. Tiếp tục mở thêm 1 làn đường dành cho xe rẽ trái từ đường Mai Chí Thọ vào đường dẫn cao tốc nhằm tăng khả năng thoát xe qua nút giao. Mở rộng đường Võ Chí Công (đoạn tiếp giáp từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy), đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao Mỹ Thủy), đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút Mỹ Thủy đến phà Cát Lái), đường Nguyễn Duy Trinh (từ đường Nguvễn Thị Định đến đường Võ Chí Công); nghiên cứu xây dựng tuyến đường mới kết nối cảng Cát Lái đến đường Võ Chí Công; đẩy nhanh tiến độ kết nối Vành đai 2 ra xa lộ Hà Nội. Sở GTVT kiến nghị quận 2 nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công sớm hoàn thành công trình nâng cấp đường Lương Định Của.

Tin cùng chuyên mục