(SGGPO).- Sáng 24-12, nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý học và khoa học, nhà giáo, đại diện phụ trách công tác học sinh sinh viên của các Sở GD-ĐT các tỉnh phía Nam đã tham dự Hội thảo “Thực trạng và ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” do Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức.
Từ những kết quả, nghiên cứu, khảo sát, các báo cáo, tham luận tại hội thảo đã mổ xẻ thực trạng, phân tích nguyên nhân và báo động trong thời gian 10 năm trở lại đây, vấn nạn bạo lực học đường (BLHĐ) đang có xu hướng gia tăng nhanh. BLHĐ xảy ra ở mọi lứa tuổi, cấp học và từ trường học đến bên ngoài cổng trường. Đặc biệt là nó thể hiện chiều hướng trẻ hóa, nữ hóa và hành vi bạo lực không có giới hạn trong quan hệ bạn bè, giữa học sinh với giáo viên và ngược lại. Hậu quả do BLHĐ gây ra rất lớn và nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh mà còn đe dọa môi trường học đường, gây bất ổn xã hội.
Để can thiệp thành công, giảm thiểu các hành vi dẫn đến bạo lực từ thể xác đến tinh thần của nạn nhân theo các đại biểu, cần phải: phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; nâng cao nhận thức và giúp học sinh điều chỉnh hành vi, hóa giải những mâu thuẫn, hiềm khích phát sinh; tạo môi trường học đường an toàn; đầu tư các trung tâm tư vấn, tham vấn học đường; đào tạo đội ngũ giáo viên tư vấn chuyên nghiệp; mở rộng sân chơi lành mạnh, tăng cường hoạt động ngoại khóa, trang bị kỹ năng sống…
Cũng có ý kiến nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc đánh giá lại “chất” của từng sản phẩm giáo dục và vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách, làm người cho học sinh đã được chú trọng đến đâu? Nếu không có giải pháp đồng bộ, hiểu đúng vấn nạn BLHĐ đang sinh sôi, phát triển từ mảnh đất màu mỡ- thiếu sự quan tâm của gia đình, thầy cô và những bất an, rủi ro của môi trường sống hiện đại thì khó có thể ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở các trường phổ thông.
Khánh Bình