Một phụ huynh than thở, chị tá hỏa khi vô tình coi một cảnh trong bộ phim “Vườn sao băng” (Hàn Quốc) chiếu trên ti vi. Nhân vật nữ trong phim (là một học sinh) bị những cô bạn cùng trường nắm đầu lôi xềnh xệch trên đường, ném trứng, đổ bột lên người, đứng từ trên lầu cao thả chậu cây xuống khi cô bé này đi qua… Nguyên nhân chỉ vì cô bé này dám chỉ trích một anh chàng, cũng là học sinh, được coi là “hot boy” của trường.
“Cảnh phim làm tôi liên tưởng đến những vụ bạo lực học đường của các nữ sinh liên tiếp xảy ra gần đây và tôi thực sự lo lắng cho con cái của mình. Tôi nghĩ lớp trẻ bị ảnh hưởng nhiều từ phim ảnh. Chẳng lẽ lại cấm không cho tụi trẻ coi ti vi?”. Điều đáng nói là khá nhiều bạn trẻ rất thích bộ phim này. Thậm chí có bạn còn xem tới 4 lần. Không chỉ xem phim, các bạn nữ hâm mộ phim này còn đi lùng mua đĩa nhạc, mua hình của các chàng trai (nhóm F4) trong phim để treo trong phòng, bỏ trong bóp, thậm chí sẵn sàng cãi nhau đỏ mặt tía tai nếu ai đó lỡ chê thần tượng của họ. Khách quan mà nói thì ngoại trừ những cảnh đánh nhau đầy phản cảm đó ra thì đây là một bộ phim có nội dung hấp dẫn, diễn viên trẻ, đẹp…
Hỏi một nữ sinh lớp 10 Trường Phú Nhuận, TPHCM rằng những bộ phim gần đây về học sinh mà em xem, có phim nào có cảnh đánh nhau như vậy không, em cho biết đó là chuyện bình thường. Phổ biến nhất là trong các phim Hàn Quốc, kế đó là phim Nhật Bản, Mỹ. Chẳng hạn, trong phim “Wind child” một nhóm nữ sinh chỉ vì ganh tị đã nhào vào đấm đá nhau, còn trong phim “Vị ngọt Machiato” thì có cảnh nữ sinh nắm đầu nam sinh đánh…
Trước đây, hầu hết các vụ bạo lực học đường xảy ra thường do các nam sinh gây ra. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là, hầu hết các vụ bạo lực học đường do chính các học sinh liên tiếp tung lên mạng thời gian gần đây lại là những cảnh bạo lực của các nữ sinh. Các em đánh nhau, làm nhục nhau giữa chốn công cộng một cách thản nhiên, bị bắt vẫn không hề sợ hãi, không hề hối hận vì những hành vi của mình… Thực trạng này khiến dư luận không khỏi bức xúc và lo lắng.
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ thảm sát trường học tại Mỹ của một nam sinh gốc Hàn. Điều tra cho thấy, trước khi ra tay thảm sát hàng chục mạng người, tên này đã quay video, chụp hình những tư thế của một nhân vật sát thủ trong một bộ phim của Hàn Quốc. Điều đáng nói, trước đó thủ phạm vốn được xem là một thanh niên hiền lành, ít nói và chưa từng vi phạm pháp luật. Tuy chưa thể khẳng định mức độ liên hệ giữa bạo lực học đường và tác động của phim ảnh như thế nào nhưng rõ ràng sức ảnh hưởng của phim ảnh đối với thanh niên là không nhỏ. Có lẽ, đã đến lúc hội đồng duyệt phim điện ảnh, phim truyền hình cần cân nhắc kỹ trước những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, những cảnh bạo lực học đường trong phim để hạn chế bớt những hậu quả đáng buồn này.
Hà Giang