Bảo tàng tư nhân vẫn vướng chuyện “mặt bằng”

Gần 20 năm Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, trong đó cho phép tư nhân được mở bảo tàng, đã tạo nên sự đa dạng trong các hoạt động trưng bày và lưu giữ hiện vật, góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản cũng như văn hóa đất nước. Tuy nhiên, câu chuyện lập bảo tàng tư nhân, đặc biệt là trên địa bàn TPHCM, lại đang đặt ra nhiều vướng mắc lẫn trăn trở.
Sinh viên đến tham quan và học tập tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: THANH TÙNG
Sinh viên đến tham quan và học tập tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: THANH TÙNG

Mỗi nơi một số phận

Hơn 2 năm trước, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, đã đích thân hỗ trợ chuyên gia cơ khí Bùi Văn Ngọ lập hồ sơ xin thành lập bảo tàng nghệ thuật tư nhân. Có điều, từ đó đến nay, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất lẫn trang thiết bị, hiện vật đều đã sẵn sàng nhưng tâm huyết của ông Bùi Văn Ngọ vẫn chưa được thành hình. Bởi lẽ, khu đất mà gia đình ông dự kiến thành lập bảo tàng tại địa chỉ 231 An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) lại đang nằm trong diện quy hoạch dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi của UBND quận Bình Tân.

May mắn hơn ông Bùi Văn Ngọ, mặc dù đi sau nhưng Bảo tàng Sâm Ngọc Linh của ông Nguyễn Tấn Việt lại “về đích” sớm hơn. Khai trương từ cuối năm 2019 tại địa chỉ 374 Nguyễn Sơn (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), nơi đây hiện đang trưng bày gần 400 hiện vật sâm Ngọc Linh - loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất. Có điều, sau thời gian khai trương không lâu thì dịch Covid-19 bùng phát nên hiện nơi đây vẫn còn khá lặng lẽ.

Ông Bùi Văn Ngọ năm nay 90 tuổi, là người sáng lập Công ty TNHH Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Ngoài cơ khí thì hội họa cũng là đam mê của ông nên hơn 30 năm qua, ông đã tự học vẽ và sáng tác. Hiện ông đang sở hữu hàng ngàn bức họa với nhiều kích cỡ và thể loại như màu nước, sơn mài, sơn dầu, bút chì… Đặc biệt, ông là người duy nhất trong nước sở hữu nhiều bức tranh lớn, đã nhận 3 kỷ lục: bức tượng đồi tiên nữ dài nhất Việt Nam được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2006, họa sĩ vẽ bức tranh sơn dầu toàn cảnh lăng Tự Đức lớn nhất Việt Nam (2012) và tác giả có nhiều tác phẩm tạo hình nhất Việt Nam (2012) do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp.

Trong chuyến thăm vào tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, nơi này là một điểm đến rất đáng được quan tâm để phát triển và hy vọng trong thời gian tới, đây sẽ là một trong những điểm nhấn văn hóa của TPHCM. Chính vì vậy, việc dự án thành lập bảo tàng của ông Bùi Văn Ngọ “vướng” phải quy hoạch đang đặt ra một bài toán không mấy dễ dàng, thậm chí có thể lâm vào tình thế buộc phải đánh đổi. Nếu điều này xảy ra sẽ là một tổn thất lớn cho không chỉ gia đình ông Bùi Văn Ngọ mà còn cho cả ngành văn hóa của thành phố.

“Nếu không tạo điều kiện để thành lập bảo tàng, có nghĩa là những tác phẩm, hiện vật trong bảo tàng không được gìn giữ, nó sẽ là một thiệt hại về mặt vật chất đối với các tác phẩm nghệ thuật. Bởi chỉ cần hình dung việc những bức tranh cỡ đại như vậy cần khiêng vác đi đâu cũng đã là một thiệt hại rồi”, bà Lê Tú Cẩm bày tỏ.

“Bắt tay” với du lịch

Theo bà Lê Tú Cẩm, trong khi Nhà nước chưa có đủ điều kiện và nguồn lực để đầu tư cho các bảo tàng, việc khuyến khích tư nhân thành lập bảo tàng là cần thiết và nên làm trong thời điểm hiện nay. Các bảo tàng tư nhân ra đời là cơ hội để người dân trong nước có thêm hiểu biết về di sản, về văn hóa. Tuy nhiên, theo bà, các vấn đề như vốn đầu tư, tài sản cố định (hiện vật) thường đã được cá nhân tính toán từ trước, nhưng mặt bằng là vấn đề lớn nhất của bảo tàng tư nhân. Chính vì vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện để những cá nhân muốn lập bảo tàng tư nhân có thể cho thuê đất với một giá hữu nghị, như vậy sẽ mang tính khuyến khích hơn.

Tôi không sợ bảo tàng ra đời rồi không có khách, mà điều lo sợ nhất đối với bảo tàng tư nhân ở chỗ, chủ sở hữu chính không còn nữa thì ai sẽ là người kế thừa? Đây là vấn đề lớn, cần có sự cân nhắc trước khi quyết định cho ra đời một bảo tàng nào đó.

Bà LÊ TÚ CẨM, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM

Rất có thể trong tương lai, TPHCM sẽ có thêm những bảo tàng tư nhân tiếp theo được ra đời. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phát huy hiệu quả của các bảo tàng này, hay lại rơi vào tình trạng hiện vật “nằm yên một chỗ”? Theo bà Huỳnh Ngọc Vân (cố vấn - quản lý Bảo tàng Áo dài, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), các bảo tàng tư nhân hoàn toàn có thể “bắt tay” với du lịch. “Trước đây, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vẫn thường tham gia các hội chợ, lễ hội du lịch. Tham gia như vậy, người ta vừa nghĩ mình là một bảo tàng nhưng cũng nghĩ mình như một doanh nghiệp du lịch, khi làm gì người ta cũng sẽ nhớ đến mình. Tôi cũng đang kết nối các bảo tàng tư nhân, để khi có các chương trình, sự kiện từ Sở Du lịch hay Trung tâm Xúc tiến du lịch, các bảo tàng tư nhân có thể cùng nhau tổ chức chung một gian hàng, qua đó giới thiệu đến công chúng như một địa điểm du lịch cần đến”, bà Vân cho biết.

Cũng theo bà Huỳnh Ngọc Vân, vấn đề này cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn. Bà Vân chia sẻ: “Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tôi đã phải rất kiên nhẫn và đến Bảo tàng Áo dài cũng vậy. Cần phải có sự nỗ lực và kiên nhẫn thì mới mong có trái ngọt được. Đầu tiên chúng ta phải kết nối với các công ty du lịch trước, phải làm sao để các công ty du lịch nhận thức được bảo tàng của mình hay, độc đáo. Phải có thời gian cầu thị, lắng nghe những người làm du lịch”.

Tin cùng chuyên mục