Bảo vệ “huyết mạch của thế giới”: Nhân Ngày Nước thế giới

Ngày 22-3, Liên hợp quốc (LHQ) đã lựa chọn chủ đề “Nước cho hòa bình” nhằm nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này.

W8c.jpg
Sự kiện tìm hiểu về tính bền vững của nước được tổ chức tại Singapore nhân Ngày Nước thế giới. Ảnh: PUB, Singapore’s National Water Agency

Tăng hợp tác xuyên biên giới

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khủng hoảng nước là một trong 5 rủi ro hàng đầu đối với thế giới xét về tác động, trong khi giới chuyên gia nhận định tầm quan trọng của nước sẽ sớm vượt dầu mỏ trong những thập niên tới. Biến đổi khí hậu cùng dân số tăng nhanh đã khiến nước - nguồn huyết mạch của thế giới ngày càng suy thoái, cạn kiệt.

Trong thông điệp nhân Ngày Nước thế giới năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, đây là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn vong và an sinh của nhân loại. Hành động vì nước là hành động vì hòa bình. Ngày nay, điều đó đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Theo ông Antonio Guterres, nguồn cung suy giảm có thể làm tăng sự cạnh tranh và gây căng thẳng giữa người dân, cộng đồng và quốc gia. Điều đó đang làm tăng nguy cơ xung đột.

Tổng Thư ký LHQ cho biết, 153 quốc gia trên thế giới đang cùng chia sẻ các nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, chỉ có 24 quốc gia trong số đó báo cáo duy trì thỏa thuận hợp tác về toàn bộ nguồn nước chung. Do đó, việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới, tham gia và thực hiện Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia LHQ sẽ giúp quản lý tài nguyên nước chung một cách bền vững.

Cần hành động ngay

Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), chỉ trong 20 năm, Trái đất đã mất khoảng 20% lượng nước ngọt sẵn có và nếu không hành động ngay, tỷ lệ này sẽ tăng lên hơn 30% vào năm 2050. Ngay cả kịch bản lạc quan về việc thế giới có thể khống chế đà tăng nhiệt của Trái đất ở mức 1,3-2,4oC so với thời kỳ tiền công nghiệp thành hiện thực, thì dự báo đến năm 2050 vẫn có thêm 1 tỷ người phải sống trong điều kiện thiếu nước đặc biệt nghiêm trọng.

Thống kê cho thấy, nhu cầu về nước đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1960 và nhu cầu này có thể tăng thêm 20%-25% vào năm 2050, trong bối cảnh dân số thế giới hiện hơn 8 tỷ người được dự báo cán mốc 9,6 tỷ người vào năm 2050. Ít nhất 25 quốc gia, chiếm 25% dân số thế giới, đang phải đối mặt với “tình trạng căng thẳng về nước cực kỳ cao” - tức là đang sử dụng gần như toàn bộ lượng nước mình có.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương (Mỹ), căng thẳng về khả năng tiếp cận nguồn nước bùng phát trên cả 5 châu lục. Ông Abou Amani, Giám đốc phụ trách mảng khoa học về nước tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), khẳng định, tình hình sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu nước trở thành vũ khí trong xung đột vũ trang, là phương tiện để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và dân cư hoặc để gây áp lực cho các nhóm đối thủ.

Ngày Nước Thế giới được tổ chức vào ngày 22-3 hàng năm kể từ năm 1993. Đây là hoạt động kỷ niệm của LHQ tập trung vào tầm quan trọng của nước ngọt và nâng cao nhận thức về vấn đề này khi hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch.

Tin cùng chuyên mục