
Có tới 95% máy đo khúc xạ sai số vượt tiêu chuẩn, cùng hàng ngàn loại kính thuốc mập mờ về nhãn mác… Đây chính là thực trạng của thị trường kính thuốc đang phát triển ồ ạt, thiếu sự quản lý. Điều này đang khiến cho người tiêu dùng, nhất là những người có bệnh về thị lực phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Hậu họa khôn lường
Phòng khám mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đầu giờ sáng, hai tập sổ y bạ xếp hàng đã dày cộp, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy ngán ngẩm. Trong không khí chờ đợi ngột ngạt đó, mấy “cò” bệnh viện nhanh chóng tiếp cận người bệnh để lôi kéo ra hàng loạt phòng khám mắt xung quanh cổng bệnh viện. Có ai đó trong số bệnh nhân chờ khám buột miệng: “Nóng bức, chờ đợi lâu thế này, ra ngoài khám cho đỡ mất công mất việc”.
Ngồi cạnh tôi, một phụ nữ lam lũ dắt theo một đứa bé chừng 8 tuổi đeo cặp kính dày cộp, thở dài nói: “Ôi dào, ra mấy phòng khám tư để nó làm hỏng mắt à. Khám ở viện chờ đợi, mất công mất sức thật, nhưng yên tâm hơn...”. Thì ra với người phụ nữ nông dân này, sự bức xúc của chị hoàn toàn có cơ sở. Đây là lần thứ 3 trong vòng một tháng, chị phải đưa con từ tận Yên Bái lặn lội về Hà Nội để khám mắt.
Lần đầu tiên, nghe lời “cò mắt”, chị cho con khám mắt ở một phòng khám tư ngoài cổng bệnh viện vì được giới thiệu là có máy đo mắt “xịn”. Sau một hồi khám xét và đo thị lực, nhân viên phòng khám cho biết, thằng bé bị cận, mắt phải 7 độ, mắt trái 5 độ và yêu cầu phải lắp một chiếc kính cận với giá hơn 300.000 đồng. Tuy nhiên về nhà chỉ sau có ít buổi tới trường, thằng bé tiếp tục kêu nhức mắt và không nhìn rõ chữ viết trên bảng.
Đến lần thứ hai, được người quen giới thiệu ra một trung tâm kính thuốc trên phố Bà Triệu, thằng bé lại được đo mắt nhưng lần này người ta lại phán rằng, nó bị loạn thị và yêu cầu thay cặp kính khác, nhưng tiếc thay khả năng nhìn cũng chẳng cải thiện hơn trước…!?
Không chỉ có vậy, nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, gần như ngày nào, bệnh viện cũng phải tiếp nhận điều trị lại cho nhiều trường hợp bị đau đầu, chóng mặt do thị lực không chuẩn, đeo kính không đúng số. Anh Nguyễn Xuân Hòa, sinh viên lớp cầu đường, ĐH Giao thông Vận tải bức xúc cho biết, phải mất gần 2 tháng với 4 lần đi khám và thay kính mắt, anh mới chọn được một cặp kính phù hợp với mắt mình.
Trong khi đó, PGS-TS Trần An, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo, đeo kính không đúng số, tâm kính sai vì đo thị lực và khám mắt không chuẩn sẽ khiến các bệnh về thị lực thêm trầm trọng, mắt thường xuyên bị nhức mỏi, khó chịu, ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống.

Xét nghiệm thị lực cần tới bệnh viện để có kết quả chuẩn xác.
Thả nổi tràn lan
“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” nên đối với bất kỳ ai việc gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ đôi mắt luôn được coi trọng đặc biệt. Chính vì tâm lý này mà trong thời gian qua, các cơ sở đo thị lực và kinh doanh kính thuốc phát triển mạnh mẽ tại nhiều thành phố lớn, khiến việc kiểm soát hoạt động, chất lượng của những cơ sở kính thuốc gặp rất nhiều khó khăn.
Qua khảo sát ban đầu về hiện trạng thị trường kính thuốc ở nước ta do Viện Đo lường Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện cho thấy, một thực trạng giật mình, đáng lo ngại. Bởi lẽ, có tới 90% mẫu mắt kính thuốc được lấy mẫu trên thị trường qua kiểm tra đều không có tem của nhà nhập khẩu hay phân phối và không ghi nhà sản xuất. Trong khi các vỏ bao bì đựng kính thuốc lại chủ yếu do các công ty và cửa hàng kinh doanh kính mắt tự in. Hơn nữa, qua kiểm tra chất lượng các máy đo khúc xạ để lắp kính thuốc cho thấy, khoảng 95% máy đo khúc xạ, máy đo kính mắt có sai số vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí có những máy đo sai số gấp 3-4 lần quy định.
Một chuyên gia quang học của Viện Đo lường Việt Nam thẳng thắn cho biết, vi phạm phổ biến nhất trong kinh doanh kính thuốc ở nước ta hiện nay là nhân viên nhiều cơ sở không có chứng chỉ hành nghề, thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và đặc biệt là tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Bởi lẽ, phần lớn mắt kính thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi về tới Việt Nam, nhiều loại được phù phép biến thành kính thuốc “hàng hiệu” của Mỹ, Nhật, Pháp... với giá bán lên tới hàng triệu đồng. Mặt khác, theo quy định, trên các mắt kính hoặc bao bì của kính thuốc phải ghi đầy đủ các thông số quang học đặc trưng kính mắt, nhưng hầu hết loại kính thuốc trên thị trường không công bố rõ ràng các thông số này. Điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực của những người khi mua kính thuốc.
Kính thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng nên cần được quản lý chặt chẽ hơn so với các loại kính thông thường. Tuy nhiên, trước thực trạng chất lượng của nhiều loại kính thuốc, thiết bị đo thị lực đang bị thả nổi tràn lan, thiếu sự quản lý và kiểm soát đòi hỏi các bộ, ngành chức năng cần sớm có các quy định pháp luật chặt chẽ về quy chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng kính thuốc và thiết bị phương tiện đo thị lực.
Đồng thời, cần khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn kính thuốc đảm bảo chất lượng và phù hợp. Nếu không người bệnh sẽ phải gánh chịu những hậu quả do việc đo thị lực không chính xác và đeo kính sai số.
MINH KHANG