Bất ổn gia tăng đe dọa hòa bình thế giới

“Thế giới mỗi năm lại càng rời xa mục tiêu tạo ra một thế giới hòa bình hơn thông qua hợp tác quốc tế”. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 đang diễn ra ở TP Munich, Đức.
Cuộc chiến ở Syria vẫn là một vết nhơ trong nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình
Cuộc chiến ở Syria vẫn là một vết nhơ trong nỗ lực xây dựng một thế giới hòa bình

Chi tiêu quốc phòng tăng mạnh

 Với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới, Hội nghị An ninh Munich năm nay được tổ chức trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột Israel - Palestine, giao tranh tại Libya, Syria, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc...

Theo giới quan sát, sự bất ổn của toàn cầu phần nào được thể hiện qua chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng 4% trong năm 2019, mức tăng cao nhất trong một thập niên qua. Đây là số liệu lấy từ báo cáo thường niên Military Balance (Quyết toán quân sự) công bố ngày 14-2 của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

Cũng theo báo cáo này, chi tiêu quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong giai đoạn 2018-2019 khi đều tăng 6,6%. Con số này của châu Âu là 4,2%.

Tháng 12 năm ngoái, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng công bố một báo cáo cho hay, doanh số bán vũ khí trên thị trường toàn cầu đã tăng gần 5% trong năm 2018. Theo đó, doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã lên đến 420 tỷ USD. Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ chiếm tới 59% thị trường với tổng doanh thu lên đến 246 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2017.

Nga là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất vũ khí, chiếm 8,6% thị trường, xếp trên Anh (8,4%) và Pháp (5,5%). Một trong những đối tác chính của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ. Công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ (có sự hợp tác của Nga) đã đạt doanh thu ở mức 2,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước, với 2 công ty lọt tốp 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.

Với mục tiêu đảm bảo khả năng tự cung cấp vũ khí hiệu quả, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển năng lực sản xuất vũ khí ở mọi phân khúc như hệ thống phòng không, hệ thống tên lửa trên tàu chiến... Giới quan sát nhận định, do xung đột vũ trang kéo dài với lực lượng người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng tăng nhu cầu đối với vũ khí.

Nghiên cứu của SIPRI không bao gồm Trung Quốc do không đủ dữ liệu, nhưng SIPRI cũng ước tính có từ 3 đến 7 doanh nghiệp của nước này lọt vào tốp 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã dành 1,9% GDP cho lĩnh vực quốc phòng.

Đoàn kết cộng đồng quốc tế

 Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Đức đã thẳng thắn cáo buộc rằng, thế giới trở nên nguy hiểm hơn là do 3 cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Theo ông Steinmeier, cách tiếp cận của các nước lớn này với vấn đề toàn cầu rất đáng thất vọng. Tránh không nêu trực tiếp tên Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Đức chỉ trích chính sách “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã bất chấp tất cả, kể cả thiệt hại của các quốc gia láng giềng và đồng minh.

“Trung Quốc chỉ chấp nhận luật pháp quốc tế một cách chọn lọc, chỉ đồng ý những luật có lợi cho chính mình. Còn đối tác gần gũi của châu Âu chúng ta là Mỹ hiện đã phủ nhận ý tưởng về một cộng đồng quốc tế chung khi rút khỏi các hiệp ước đa phương”, ông Steinmeier nói.

Tổng thống Đức cũng đề cập đến tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Nga với một số quốc gia châu Âu như Ukraine cũng góp phần làm bất ổn toàn cầu.

Ông Steinmeier cảnh báo, chính “sự ngờ vực lẫn nhau gia tăng, tăng cường vũ trang mạnh hơn, kém an ninh hơn... sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới”. Tổng thống Đức kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp hiện nay.

Ông Steinmeier nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương, đồng thời khẳng định, chính sách đối ngoại của Đức ưu tiên đoàn kết châu Âu lại với nhau.

Tin cùng chuyên mục