Tuyến đường sắt Thống Nhất chạy sâu vào trung tâm TPHCM, kéo dài 14km, qua 19 phường của 5 quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận và quận 3, thường xuyên gây ra kẹt xe, tai nạn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn, mất vệ sinh. Thế nhưng tình trạng bất ổn này vẫn tiếp diễn.
Khốn khổ với đường tàu
Tuyến đường sắt này đã có lịch sử khai thác hơn 100 năm nay. Đến nay, qua quá trình đô thị hóa, tuyến đường sắt chạy vào trung tâm TPHCM đã bị kẹp giữa các khu dân cư đông đúc. Ngay từ cầu vượt Sóng Thần (Thủ Đức), tuyến đường sắt đã chui vào khu đô thị. Càng vào sâu trung tâm TP, hành lang dành cho đường sắt càng bóp lại nhỏ hơn. Từ cầu Hang Trong (Gò Vấp) đến ga Hòa Hưng (quận 3) đường sắt lọt thỏm giữa những dãy nhà phố cao tầng nối tiếp nhau. Có những chỗ ranh giới đường sắt với nhà dân hai bên chỉ còn khoảng cách rất hẹp.
Ở các khu dân cư có tuyến đường sắt băng ngang, cư dân phải chịu đựng tiếng ồn ầm ĩ mỗi khi tàu chạy qua. Nhiều nhà lắp cửa kính cách âm nhưng cũng không hiệu quả, do đường sắt quá gần nên mỗi khi tàu chạy qua vang tiếng động rầm rầm. Trước đây nhà cửa còn thưa và thấp tầng nên đỡ ồn hơn, nay các nhà xây liền nhau, lại cao tầng nên âm thanh dữ dội đến xé tai. Dù đã cư ngụ gần đường sắt nhiều năm nhưng ai cũng phải giật bắn người mỗi khi tàu kéo còi chuẩn bị vào ga, mà mỗi ngày có cả chục lần như vậy.
Bị tra tấn bằng tiếng ồn khi tàu chạy qua vẫn chưa phải là điều khốn khổ nhất, cư dân sống hai bên đường tàu suốt từ Bắc vào Nam còn phải chịu đựng nạn ô nhiễm vệ sinh môi trường do nhà vệ sinh trên các tàu hỏa xả thẳng chất thải xuống đường sắt. Cứ mỗi năm, môi trường dọc hai bên đường sắt càng ô nhiễm nặng nề hơn. Do tốc độ tàu chạy nhanh, chất thải trên tàu không chỉ xả xuống đường mà bị gió cuốn bay tung ra xung quanh nên mỗi khi tàu chạy qua để lại mùi hôi khẳm. Chỉ cần một hành khách trên tàu bị bệnh dịch tả, tiêu chảy cấp, nguy cơ phát tán, lây truyền bệnh sẽ rất lớn.
Từ khi có hàng rào ngăn cách hành lang an toàn đường sắt, đã thiết thực kéo giảm số vụ tai nạn đường sắt tại các quận có đường sắt chạy qua. Tuy nhiên vẫn còn những trường hợp tử vong do chủ quan băng qua đường sắt bị tàu đâm phải. Chuyện ùn tắc giao thông tại các quận có đường sắt băng qua vẫn diễn ra hàng ngày, khi tàu hỏa băng qua các tuyến đường nội thành vào giờ cao điểm.
Có cần thiết phải vào nội thành?
Biện pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm vệ sinh môi trường và hạn chế tai nạn giao thông đường sắt tại các khu dân cư có đường sắt băng qua là giải tỏa, mở rộng hành lang an toàn đường sắt nhằm tạo khoảng cách an toàn, đủ để hạn chế tác động tiếng ồn và lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh tự hủy trên tàu, không xả chất thải trực tiếp xuống đường.
Tuy nhiên, với lý do ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư giải quyết các vấn nạn này vẫn chưa được ngành đường sắt quan tâm thực hiện. Ước tính chỉ riêng việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt với chiều rộng 15m từ đường ray ngoài, sẽ phải giải tỏa trên 6.000 căn nhà, kinh phí dành cho việc giải tỏa lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, chiều rộng 15m chỉ là khoảng cách hành lang an toàn giao thông, còn khoảng cách để tạo hành lang giảm tiếng ồn còn rộng hơn nhiều. Ngành đường sắt cũng chưa đẩy nhanh việc nâng cấp lắp đặt buồng vệ sinh tự hủy trên tàu, vì gần như toàn bộ tuyến đường sắt Thống Nhất chạy qua vùng nông thôn, đồi núi, chỉ một số đoạn ngắn chạy qua đô thị, trong khi kinh phí để lắp đặt thay mới toàn bộ buồng vệ sinh tự hủy trên tàu quá lớn.
Với nhịp độ phát triển đất nước, tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu đi lại bằng đường sắt nhiều, vấn đề cần được đặt ra một cách cấp bách là hiện đại hóa hệ thống đường sắt, tàu hỏa, khắc phục cho được những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, tai nạn, ùn tắc giao thông. Trong khi đó, ngành đường sắt vẫn đang loay hoay, lúng túng vì thiếu kinh phí nên không thể mở rộng hành lang đường sắt cũng như nâng cấp, đổi mới hệ thống đầu máy, toa xe. Thiết nghĩ, cùng với việc kêu gọi đầu tư để thay thế hệ thống đường sắt hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị, hiện đại, cũng nên nghiên cứu quy hoạch phát triển đường sắt phù hợp thực tế, lý giải tìm câu trả lời thỏa đáng: Có cần thiết phải đưa tàu hỏa chạy sâu vào nội thành?
|
TRẦN YÊN