
Ngày 4-11 tới, lịch sử nước Mỹ sẽ lật sang trang mới? Lần đầu tiên, người dân Mỹ sẽ bầu một người da màu lên làm tổng thống? Có cha là người da đen gốc Kenya, mẹ là người Mỹ da trắng, ông Barack Obama mang trong mình hai dòng máu nhưng với người Mỹ thì ông được coi là một người da đen. Màu da sẽ mang lại lợi thế cho ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hay đó chính là ẩn số của một cuộc bầu cử mà lời giải chỉ có được vào phút cuối?
Dẫn đầu trong các cuộc thăm dò
Kết quả các cuộc thăm dò gần đây nhất đều cho thấy, ông Obama (thuộc đảng Dân chủ) luôn dẫn trước ông John McCain (thuộc đảng Cộng hòa) từ 6 tới 14 điểm, trở thành người có nhiều khả năng đắc cử. Các tiểu bang quan trọng, mang tính chất “chỉ báo” như Pennsylvania, Ohio hay Florida, đều đang nghiêng dần về phía Obama. Ngân quỹ bầu cử của ông đầy ắp, tiền chi cho quảng cáo tranh cử nhiều gấp đôi ông McCain.

Gia đình Obama trong một cuộc vận động tranh cử.
Cũng theo kết quả thăm dò, ông Obama là người chiếm ưu thế trong cả 3 cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp, có sức thuyết phục hơn đối thủ trong lĩnh vực kinh tế, vốn là mối bận tâm lớn của cử tri Mỹ hiện nay. Những tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times đều công khai tuyên bố ủng hộ ông.
Cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng đang diễn ra bất ngờ đem lại lợi thế cho ông Obama, khiến cho “diều” của ông như được thêm “gió”, trong khi “diều” của ông McCain muốn chao đảo. Sau những phút ngỡ ngàng, mới lạ ban đầu, “hiệu ứng Palin” – bà Sarah Palin, Thống đốc bang Alaska, liên danh tranh cử với ông McCain – dần tan như tuyết dưới nắng, giờ đang trở thành một “gót chân Achille” của phe McCain.
Thế nhưng, không một ai dám chắc chắn điều gì về kết quả cuộc bầu cử. Bởi một ẩn số lớn luôn hiển hiện: “Lá phiếu chủng tộc” của cử tri Mỹ. Vào thời điểm chỉ có mình với chính mình trong phòng bỏ phiếu kín bưng, liệu họ có sẵn lòng bầu cho một người da đen hay không? Cái gọi là “hiệu ứng Bradley” không lúc nào thôi ám ảnh những người thuộc phe Obama.
Hiệu ứng Bradley
Năm 1982, ông Tom Bradley, người da đen, thuộc đảng Dân chủ, thị trưởng Los Angeles, ra tranh cử chức thống đốc bang California với ông George Deukmejian thuộc đảng Cộng hòa, có nguồn gốc dân nhập cư Armenia. Thị trưởng Los Angeles lúc ấy được rất nhiều người ủng hộ. Tất cả cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông bỏ rất xa đối thủ, tới 20 điểm. Nhưng ông Bradley đã thua sát nút trong ngày bầu cử, trước sự kinh ngạc giới quan sát. Các cử tri đã “không thật lòng” khi được thăm dò dư luận, vì sợ bị coi là “người kỳ thị”.
Năm 1989, sự việc tương tự cũng chỉ thiếu chút nữa là xảy ra ở Virginia, khi bang này bầu cho vị thống đốc da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử, ông Douglas Wilder, thuộc đảng Dân chủ, luôn dẫn trước ông Marshall Coleman, thuộc đảng Cộng hòa, từ 9 tới 11 điểm. Trên thực tế, ông Wilder đã chỉ trúng cử với khoảng 7.000 phiếu nhiều hơn. Nhiều cử tri da trắng dù nói rằng mình sẽ bầu cho ứng viên Dân chủ nhưng đã làm điều ngược lại khi có một mình trong phòng bỏ phiếu.
Lịch sử liệu có lặp lại với ông Obama? Màu da của ông sẽ không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử hay sẽ làm ông “mất điểm”? Vấn đề chủng tộc trở thành đề tài nhạy cảm, “úy kỵ” trong phần lớn thời gian diễn ra chiến dịch vận động tranh cử.
Theo các nhà quan sát, nguồn gốc của bà Michelle Obama, vợ ông, mới là điều nên quan tâm hơn. Xuất thân trong một gia đình khiêm tốn ở Chicago, tổ tiên từng là nô lệ, nhờ vào tài năng và ý chí, bà Obama trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng của Mỹ, Princeton và khoa luật Harvard. Một phần quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử cho chồng của bà Obama là dành để xây dựng cho mình hình ảnh một người mẹ của hai con, một người vợ tận tụy, hơn là trong vai trò một đệ nhất phu nhân sẽ cùng chồng làm chủ Nhà Trắng.
“Vùng hiểm địa”
Từ phía phe ủng hộ McCain, người ta có thể nghe thấy những tiếng nói mang màu sắc kỳ thị chống Obama, nhằm mục đích hạ thấp uy tín của ông này, như gọi ông là “Terrorist” (tên khủng bố), “Traitor” (kẻ phản bội), “Boy” (gã trai – cách gọi miệt thị người da đen, nhất là ở một số vùng phía Nam nước Mỹ), hay “Muslim” (người theo đạo Hồi) dù ông Obama theo đạo Thiên Chúa. Có người còn công kích tên lót Hussein của ông, liên hệ nó với tên của Osama bin Laden...
Trên một đất nước từng có tiền lệ tổng thống bị ám sát (Lincoln, Garfiel, McKingley và Kennedy) hay bị ám sát hụt (Reagan), những lời nói mang tính kích động, thù hằn như thế có thể dẫn đến những hành động bạo lực nhằm vào ứng cử viên da đen khiến nhiều nhà quan sát lo lắng.
Không ít ý kiến đòi hỏi ông McCain phải “hạ nhiệt” các ủng hộ viên phe mình, trong đó có cả tờ Wall Street Journal. Tờ New York Times thì đăng kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy, các cuộc tấn công nhằm vào nhân thân ông Obama sẽ gây hiệu quả “gậy ông đập lưng ông” đối với phe McCain.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cử tri Mỹ muốn biết chương trình hành động của các ứng cử viên ra sao, giải pháp nào cho những vấn đề của họ, chứ không phải là những công kích cá nhân hạ bệ đối thủ. Hiện tại, người được họ tin tưởng hơn là ứng cử viên Dân chủ.
Có thể vì thế mà mới đây, khi một nữ cử tri phe McCain khẳng định rằng ông Obama là người Arab thì ông McCain đã trả lời bà này rằng: “Không, thưa bà, Thượng nghị sĩ Obama là một người đàng hoàng, một người cha của gia đình, tôi không cùng quan điểm với ông nhưng cần phải biết tôn trọng đối thủ chính trị của mình”.
Liệu kết quả bầu cử ngày 4-11-2008 sẽ phản ánh tính trung thực, chính xác của các cuộc thăm dò dư luận? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước! .
NGUYỄN VŨ (theo Radio Canada)