

Nhà báo Kim Ửng phỏng vấn đạo diễn PARK KWANG-SU (Chủ tịch Điều hành UB Điện ảnh Busan) trong Tuần phim Busan tại TPHCM.
1. Trong quan niệm của nhiều người cứ nói đến phóng viên văn hóa văn nghệ là ai cũng nghĩ họ sẽ viết về những vấn đề vui chơi, giải trí nhẹ nhàng. Người viết mảng này tha hồ xem phim mới “xuất xưởng”; coi kịch mới “ra lò”; thưởng thức các show ca nhạc nổi tiếng hoành tráng hoặc tham dự những liên hoan phim quốc gia, các cuộc thi hoa hậu; thâm nhập các festival văn hóa du lịch nổi đình đám ở ba miền Bắc, Trung, Nam…
Tất cả suy nghĩ này đều đúng. Thực tế hơn, so với những vấn đề chính trị, quốc kế, dân sinh được phản ánh hàng đầu trên mặt báo, các sự kiện văn hóa thường được xếp hàng phía sau. Thế nhưng, bản thân các phóng viên khi tác nghiệp cũng không kém phần trách nhiệm và yêu nghề. Chúng tôi cố gắng hoàn thành công việc phản ánh nhanh, chính xác, căn cơ, nắm bắt tình hình nổi bật qua các sự kiện văn hóa, văn nghệ và tiếp cận phỏng vấn những người nổi tiếng, được công chúng hâm mộ.
Có đi cùng với NSND Trà Giang suốt các mùa Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN), chúng tôi mới biết Chị Tư Hậu còn được khán giả thần tượng và yêu quý đến mức độ nào. Được phỏng vấn diễn viên Lương Triều Vỹ của Hồng Công, gặp gỡ nàng Đê Chang Kưm- Lee Young Ae nổi tiếng của Hàn Quốc hay tiếp xúc với các “đại gia” sản xuất phim của Hollywood đến TPHCM, mới biết họ suy nghĩ như thế nào về đất nước mình, về tình hình điện ảnh Việt Nam…
2. Đằng trước chuyện nhà báo viết mảng văn hóa văn nghệ êm đẹp là thế. Nhưng, đằng sau hậu trường cũng không ít kỷ niệm vui, buồn và thấm thía kinh nghiệm. Thông thường những chương trình biểu diễn ca nhạc hay lễ khai mạc, bế mạc một sự kiện văn hóa vẫn diễn ra vào ban đêm. Phóng viên văn hóa văn nghệ là những người thường xuyên đi đêm và làm tin đêm. Đôi khi chúng tôi đi công tác xa và một số sự cố nghề nghiệp hay xảy ra vào những dịp này! Thuở ấy, phóng viên chưa ai có máy tính xách tay.
Đêm bế mạc LHP VN 12 ở Huế, chúng tôi làm tin đêm xong, bưu điện thành phố đóng cửa từ lâu. Thế là, cánh phóng viên phải chuyển tin, bài nhờ máy tính của khách sạn Century, khách sạn Hương Giang. Nhưng thực tế vào đầu năm 1999, đường truyền tin trên mạng vẫn còn chậm như rùa! LHP VN lần thứ 13 ở Vinh diễn ra vào mùa đông lạnh lẽo năm 2001. Lúc này, “nóng” nhất là chuyện sôi động bên lề LHP, khi khán giả, sinh viên Đại học Vinh cuồng nhiệt với điện ảnh như cuồng nhiệt với bóng đá. Tin, bài đã đăng ký, cần chuyển gấp về báo.
Thế mà, thật éo le khi mạng Internet tại khách sạn sang nhất thành phố Vinh lúc bấy giờ cũng chưa đáp ứng được đường truyền! Sợ Tòa soạn sốt ruột chờ đợi, gần 11giờ khuya, chúng tôi vẫn nhờ một bác xe ôm chở đi khắp nơi, gõ cửa các dịch vụ internet, các văn phòng doanh nghiệp… Vô ích! Thật lo lắng và thất vọng não nề! Giữa lúc này, may mắn làm sao khi đột nhiên chúng tôi phát hiện ngôi nhà tòa soạn báo Nghệ An vẫn còn sáng đèn… Ánh sáng đã hiện ra cuối đường hầm!
Ở thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nghề báo càng có nhiều cơ hội phát triển phù hợp đặc thù tác nghiệp “nhảy cao, đá lẹ”. Phần lớn, phóng viên ngày nay đã có “vũ khí chiến đấu” là chiếc máy tính xách tay. Bây giờ nghĩ lại những sự cố xảy ra hôm nào, chúng tôi tự an ủi: đó chỉ là… chuyện nhỏ!
Kim Ửng