Bẫy lừa xuất khẩu lao động

Nhiều người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài để kiếm được số vốn cải thiện cuộc sống. Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP nhận được phản ánh của một số nạn nhân về việc do thiếu thông tin và nhẹ dạ, đã bị sập bẫy lừa xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Nhiều người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài để kiếm được số vốn cải thiện cuộc sống. Thời gian gần đây, đường dây nóng Báo SGGP nhận được phản ánh của một số nạn nhân về việc do thiếu thông tin và nhẹ dạ, đã bị sập bẫy lừa xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Nhận tiền rồi biến mất

Anh Huỳnh Văn Thắng (quê Bến Tre) trình bày: “Do chưa có công việc ổn định, tôi lên TPHCM tìm hiểu việc XKLĐ sang Úc. Ông Nguyễn Tấn Sỹ, là Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Công nghệ di động đa ứng dụng, cho hay công ty này có thể giúp tôi làm hồ sơ sang Mỹ lao động, với điều kiện tôi phải đóng tạm ứng 10.000 USD để làm các thủ tục. Ngày 17-9, tôi mang 220 triệu đồng lên giao ngay tại văn phòng công ty (ở quận 1) và ký hợp đồng kèm theo phiếu thu tiền, có nội dung đóng phí hợp đồng, phí tư vấn, hoàn thiện hồ sơ xin visa du lịch, định cư ở Mỹ. Sau khi tôi bổ sung giấy khám sức khỏe theo yêu cầu của công ty, ông Sỹ tiếp tục hứa hẹn nhiều lần nhưng vẫn chưa có visa. Ngày 30-11, ông Sỹ hẹn tôi lên công ty để đưa hồ sơ, nhưng tôi đến nơi gọi điện thì ông Sỹ bảo có việc bận đột xuất, hẹn lại khi khác. Tôi vào văn phòng, mới được chủ nhà cho biết công ty đã trả lại mặt bằng từ lâu. Gọi điện thì ông Sỹ không nghe nên tôi nhắn tin nói với ông Sỹ rằng nếu không sớm hoàn tất hồ sơ để tôi đi Mỹ thì tôi sẽ báo công an. Nhưng ông trở mặt, đe dọa rằng tôi đang vay mượn 15.000USD của công ty, thể hiện việc này trong nội dung hợp đồng, ông ta sẽ báo công an bắt tôi”.

PV Báo SGGP đã gặp anh Thắng để xem hợp đồng và xác minh vụ việc. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần Công nghệ di động đa ứng dụng có trách nhiệm kiếm việc lao động phổ thông ở Mỹ cho người lao động, làm việc từ 8 đến 12 tiếng mỗi ngày, thời gian hợp đồng 3 năm. Trong thời hạn từ 16 đến 20 tuần, phía công ty sẽ hoàn tất các thủ tục và giao visa. Chi phí cho việc XKLĐ là 25.000 USD/người, trong số đó, ngay sau khi ký hợp đồng, người lao động trả 10.000USD và công ty cho vay 15.000USD. Người lao động phải thanh toán số tiền vay công ty theo từng đợt nhận lương hàng tháng, với mức 1.000USD/tháng và lãi suất. Nếu không thanh toán thì công ty sẽ tính thêm lãi suất 3% /ngày/15.000 USD.

Với chiêu lừa này, người lao động đã tin tưởng giao 10.000USD và cầm chắc rằng sẽ được đi XKLĐ, vì nghĩ phía công ty đã ứng 15.000USD cho mình vay mượn để làm thủ tục. Qua xác minh cho thấy, công ty này chỉ có chức năng mua bán, sửa chữa thiết bị điện tử, chứ không hề được cấp phép hoạt động dịch vụ XKLĐ. Anh Thắng đành phải báo cơ quan công an mà không mấy hy vọng sẽ đòi lại được 10.000USD đã mất.

Cẩn trọng tìm hiểu thông tin

Cũng gặp tình cảnh như anh Thắng, nhiều người lao động đã vay mượn nhiều tiền giao cho dịch vụ lừa XKLĐ, rồi không đi được, nợ nần chồng chất. Cho ý kiến tư vấn về việc tránh bẫy lừa XKLĐ, luật sư Nghiêm Xuân Lý lưu ý: Khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ liên hệ các tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động dịch vụ về XKLĐ. Cần thận trọng xem kỹ các thông tin: thời hạn của hợp đồng; số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ngành, công việc làm; địa điểm làm việc; điều kiện, môi trường làm việc; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ; chế độ khám bệnh; chế độ bảo hiểm xã hội; điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trách nhiệm của các bên khi người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài... Các thông tin này được thể hiện trong hợp đồng cung ứng lao động được ký kết giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Việt Nam với bên nước ngoài trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Qua trang web www.dolab.gov.vn (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH), người lao động có thể tham khảo danh sách các doanh nghiệp được phép làm dịch vụ XKLĐ; danh sách các doanh nghiệp XKLĐ đã bị đình chỉ và thu hồi giấy phép và thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục