Chiều 10-5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2014 đã bế mạc sau 4 ngày làm việc. Dự lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, địa phương. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo các nước, các tông phái Phật giáo trên thế giới , Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự lễ bế mạc.
Diễn văn bế mạc do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2014 và Hòa thượng Dhammaratana, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên hợp quốc (ICDV) đều chung nhận định Đại lễ Vesak 2014 đã thành công rực rỡ. Đại lễ đã quy tụ gần 1.500 đại biểu đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hơn 20 nghìn đại biểu tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Nhấn mạnh ba trụ cột phát triển bền vững
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đại lễ Vesak 2014 đã được tổ chức trọng thể, trang nghiêm trong tinh thần dân chủ, hòa hợp, thân thiện và đã thành công tốt đẹp. Tư tưởng cao quý của Đại lễ với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” đã được long trọng tuyên xưng trong hòa hợp và trách nhiệm lớn lao. Nêu rõ trong thời gian Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc diễn ra tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), trên khắp đất nước Việt Nam, hàng chục triệu tăng ni, phật tử trong cả nước cùng tiến hành kỷ niệm ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca theo truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của mình, hưởng ứng Đại lễ Vesak trong tinh thần văn hóa quốc tế và hữu nghị của Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngày Phật đản Liên hợp quốc ở Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa chan hòa tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình, yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn thông qua Đại lễ này, sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ càng bền chặt để hành động có hiệu quả thiết thực hơn cho hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.
Gửi lời cảm ơn đến các vị khách quốc tế, các đại biểu và toàn thể tăng ni, phật tử đã góp phần cho Đại lễ được thành công viên mãn đồng thời đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác tổ chức, Phó Thủ tướng tin tưởng những ý nguyện tốt đẹp của cộng đồng quốc tế được thảo luận, thống nhất thể hiện tại “Tuyên bố Ninh Bình 2014” sẽ trở thành hiện thực . Qua Đại lễ này, mỗi người được tiếp nhận thêm nguồn cổ vũ, động viên và sự hỗ trợ để nỗ lực, tinh tấn nhiều hơn, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Tại lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2014 đã báo cáo tổng kết Đại lễ và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên đọc “Tuyên bố Ninh Bình 2014”. Tuyên bố gồm 7 Điều, 31 điểm, trong đó nêu rõ: “ mỗi cá nhân và tập thể có nghĩa vụ làm việc không mệt mỏi để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) và phấn đấu hết sức để tham gia hoạt động xã hội để đạt được thành tựu cho các mục tiêu và xem đó như là một phần trong niềm tin và sự tu tập”. Đôn đốc các nhà lãnh đạo trên thế giới đặt sự phát triển bền vững trên ba trụ cột chính là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và công bằng xã hội, nhấn mạnh các nguyên tắc bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy giáo dục.
Giải quyết tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình
Đặc biệt, Tuyên bố Ninh Bình 2014 nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên. “Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới” – Tuyên bố nêu rõ. Khuyến khích các phật tử chủ động hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, truyền bá trí tuệ của Đức Phật về sự tương quan tương duyên của tất cả mọi người như một gia đình toàn cầu và cùng chia sẻ hậu quả của các hành động đề cao hòa bình cả nội tại và ngoại tại bằng cách động viên các tín đồ Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề đương đại về chiến tranh, bạo lực, không khoan dung và khủng bố đang đe dọa đến hòa bình và ổn định xã hội trên toàn giới cũng là nội dung đáng chú ý của Tuyên bố này.
Lễ bế mạc kết thúc bằng màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với ước mong về một thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Vào lúc 19g tối nay, lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình diễn ra tại sân điện Thích Ca, chùa Bái Đính với khoảng 1.500 người tham gia.
Thanh Vân – Anh Minh
____________________________
Tuyên bố Ninh Bình 2014
( Tuyên đọc trong dịp Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 11 từ ngày 07 đến ngày 11 tháng 5 năm 2014, tại Trung tâm Hội nghị Chùa Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam)
Chúng tôi, tất cả đại biểu đến từ 95 quốc gia và khu vực, đã tham dự Hội nghị Phật giáo quốc tế nhân ngày Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Chùa Bái Đính tổ chức từ ngày 07 đến ngày 11 tháng 5 năm 2014 (Phật lịch 2558). Chúng tôi rất biết ơn và đánh giá cao sự hiếu khách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự hỗ trợ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc tổ chức Đại lễ và hội thảo quốc tế một cách tốt đẹp. Sau bốn ngày làm việc, thuyết trình khoa học, thảo luận, tham gia các sự kiện văn hóa và thân hữu Phật giáo, các đại biểu có mặt đã nhất trí và chấp nhận tuyên bố này.
Chúng tôi, những người tham gia trong hội nghị này, theo nghị quyết đã được phê duyệt vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, kỳ họp thứ 54, Điều khoản 174, Nghị quyết 54/115, trong đó tuyên bố rằng Đại lễ Vesak, nhằm ngày trăng tròn tháng Năm, được quốc tế công nhận và tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc và các Văn phòng khu vực từ năm 2000 trở đi. Ngày Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được đồng tổ chức bởi tất cả các truyền thống Phật giáo như là ngày lễ Tam hợp. Nó góp phần nâng cao sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các truyền thống Phật giáo, các tổ chức, cá nhân, thông qua đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo và các học giả để giải quyết những vấn đề quan tâm chung. Sau khi cùng bàn bạc thảo luận, chúng tôi thông qua và công bố thông báo sau đây về hòa bình và các vấn đề liên hệ dựa trên giáo pháp đầy trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Trong khi ngồi lại cùng nhau để thảo luận về các vấn đề liên quan đến “Quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, chúng tôi đã chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và nghiên cứu về các xu hướng mới nhất và phát triển trong các lĩnh vực khác nhau và thận trọng xem xét tác động thực tế của những vấn đề này.
Do đó, trong buổi lễ bế mạc của đại lễ Vesak Liên hợp quốc và hội thảo quốc tế thành công này, chúng tôi đã nhất trí với quyết tâm như sau:
Điều 1: Hiệp định chung
1.1. Quyết tâm rằng trong khi vẫn hài hòa với thế giới quan chung cho tất cả phật tử, mỗi cá nhân và tập thể có nghĩa vụ làm việc không mệt mỏi để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) và phấn đấu hết sức để tham gia hoạt động xã hội để đạt được thành tựu cho các mục tiêu và xem đó như là một phần trong niềm tin và sự tu tập của chúng ta.
1.2. Động viên bằng cách gửi thông điệp mạnh mẽ nhất đến các cộng đồng quốc tế để tăng cường mọi nỗ lực nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc thông qua một cam kết chung của tất cả các bên liên quan.
1.3. Vận dụng giáo pháp của Đức Phật như hướng dẫn tinh thần cho hạnh phúc, phát triển và tiến bộ chung của tất cả chúng sinh, và để thực hiện đầy đủ các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Điều 2: Hồi ứng của Phật giáo để phát triển bền vững và thay đổi xã hội
2.1. Công nhận sự tương quan, tương duyên trong sự phát triển bền vững xã hội, kinh tế và môi trường, nhấn mạnh việc phát huy phổ quát đến mức tối đa tiềm năng của con người như là mục tiêu tối hậu của sự phát triển bền vững.
2.2. Góp phần tạo ra một nền tảng mới cho các sáng kiến, tăng cường khuôn khổ hoạt động quốc tế dẫn đến sự phát triển bền vững và phát triển xã hội toàn cầu.
2.3. Đôn đốc các nhà lãnh đạo trên thế giới đặt sự phát triển bền vững trên ba trụ cột chính là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, và công bằng xã hội, nhấn mạnh các nguyên tắc bình đẳng, công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy giáo dục.
Điều 3: Xây dựng hòa bình và bình phục hậu mâu thuẫn
3.1. Thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, phê phán các hình thức sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đồng thời tôn trọng sự sống, thực hành lòng từ bi và bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác giữa các bên.
3.2. Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác thế giới.
3.3. Khuyến khích các Phật tử chủ động hơn trong việc thúc đẩy hòa bình, vốn là trọng tâm của những lời dạy của Đức Phật và đặc biệt, truyền bá trí tuệ của Đức Phật về sự tương quan tương duyên của tất cả mọi người như một gia đình toàn cầu và cùng chia sẻ hậu quả của các hành động.
3.4. Đề cao hòa bình cả nội tại và ngoại tại, bằng cách động viên các tín đồ Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề đương đại về chiến tranh, bạo lực, không khoan dung và khủng bố đang đe dọa đến hòa bình và ổn định xã hội trên toàn giới.
3.5. Khuyến khích và đôn đốc các quốc gia chịu trách nhiệm về mặt đạo đức để đạt được lý tưởng hòa bình: thấu hiểu các giá trị phổ quát, đạo đức, quyền và trách nhiệm, và đặc biệt là văn hóa bất bạo động, từ bi và khoan dung của Phật giáo.
3.6. Kêu gọi thực hiện dự án giáo dục hòa bình thế giới, và dự án này sẽ trở thành mô hình mới cho việc quản trị hòa bình.
3.7. Tái khẳng định mong muốn chung và quyền con người cơ bản của tất cả mọi người sống trong hòa bình với nhau và tái khẳng định rằng mục đích chính của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Điều 4: Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường
4.1. Thừa nhận rằng những tác động của các giải pháp công nghệ là không thể đoán trước và tái khẳng định rằng việc thành lập đạo đức môi trường mới là cần thiết kết hợp với đạo đức và trách nhiệm Phật giáo.
4.2. Kêu gọi tất cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cùng với cộng đồng Phật giáo thế giới phấn đấu hướng tới phát triển kinh tế và xã hội bền vững, nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng sự phát triển đó với bảo vệ môi trường.
4.3. Thúc đẩy bảo vệ môi trường Phật giáo như là công cụ để phòng chống sự hâm nóng toàn cầu và gia tăng bảo vệ môi trường.
Điều 5: Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh
5.1. Nhận ra rằng lối sống lành mạnh của cá nhân được đặc trưng bởi sự phát triển về thể chất, tình cảm, tinh thần và tâm linh, và bồi dưỡng cho sự tăng trưởng này là mục tiêu tối hậu cho sự hạnh phúc bền vững của con người.
5.2. Tham gia hợp tác với các tổ chức y tế chính phủ và phi chính phủ trong các chương trình y tế sức khỏe toàn diện, kết hợp các nguyên tắc hài hòa thân tâm của Phật giáo với y học hiện đại, để diệt trừ bệnh tật, tử vong trẻ em và cải thiện dịch vụ chăm sóc trước khi sinh ở các nước đang phát triển.
5.3. Đánh giá những ảnh hưởng của lối sống lành mạnh và tạo điều kiện cho chương trình sống lành mạnh Phật giáo bằng cách áp dụng kỹ thuật thiền Phật giáo.
5.4. Nhận ra rằng cốt lõi để sống khỏe mạnh là đáp ứng nhu cầu cơ bản của cá nhân, bao gồm nước sạch, dinh dưỡng, nhà ở, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần và nâng cao phẩm giá con người.
Điều 6: Giáo dục Phật giáo và Chương trình gỉảng dạy cấp Đại học
6.1. Làm việc không mệt mỏi cho phổ cập giáo dục trong thế kỷ 21, nhấn mạnh sự hội nhập của trí tuệ và từ bi trong việc chăm sóc cho môi trường, kết hợp giữa môn học và kỷ luật, kết hợp đạo đức và ý thức cộng đồng với cách tiếp cận hiện tại với các kỹ năng tiếp thu cho phát triển kinh tế và xã hội trong chương trình giảng dạy và để cương môn học ở tất cả các cấp học, để thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về “đạt được phổ cập giáo dục tiểu học” và cao hơn nữa.
6.2. Khuyến khích việc kết hợp lịch sử và triết học Phật giáo vào chương trình giáo dục tiểu học và trung học, tập trung vào nghiên cứu xã hội và thế giới.
6.3. Phát triển một dự án Phật giáo cho phổ cập cải cách giáo dục, dựa trên nền giáo dục thế tục để kiến tạo một chương trình giáo dục không chỉ chuẩn bị cho trẻ em về mặt lý thuyết, mà còn về tình cảm và tinh thần, sử dụng kỹ thuật tiên tiến để củng cố sự cải tổ của hệ thống giáo dục quốc gia.
6.4. Thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của giáo lý của Đức Phật liên quan đến sự bao gồm giảng dạy trong đạo đức, phẩm chất và đạo đức trong việc góp phần vào việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện có hiệu quả của tất cả các quyền của con người.
6.5. Khuyến khích Phật tử từ tất cả các nước và truyền thống nghiên cứu phương pháp tiếp cận chánh niệm trên cả hai phương diện thế tục và Phật giáo để có một vai trò tích cực hơn trong việc hội nhập chánh niệm vào giáo dục các cấp.
6.6. Tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu trong việc tìm hiểu sự tiến hóa và truyền bá triết học và văn hóa Phật giáo để thúc đẩy sự tham gia và hợp tác giữa tất cả phật tử, không phân biệt truyền thống, hệ phái.
Điều 7: Chính sách và Kết luận
7.1. Chúng tôi yêu cầu những phát hiện đã được xem xét cẩn thận sẽ được đưa vào chương trình mới của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
7.2. Chúng tôi tuyên bố rằng đã đến lúc cộng đồng thế giới nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về giải pháp Phật giáo và sử dụng nó trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng ngày nay.
7.3. Chúng tôi tuyên bố rằng đạo đức Phật giáo có giá trị văn hóa để đóng góp vào sự phát triển của một xã hội từ bi hơn và có khả năng xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội bền vững, công bằng và nhân bản.
7.4. Chúng tôi tuyên bố rằng cộng đồng Phật giáo có thể đáp ứng dứt khoát với những thách thức của các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
7.5. Chúng tôi yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới phối hợp với các lãnh tụ Phật giáo trong việc phát triển các hệ thống để huy động toàn diện các năng lượng từ bi nhằm đạt đến nền kinh tế xã hội phát triển và tạo ra một thế giới trong đó tất cả chúng ta đều được sống hòa bình và hạnh phúc.
7.6. Chúng tôi yêu cầu chính phủ các nước, các tổ chức dân sự, các doanh nghiệp, gia đình và cá nhân, không phân biệt tôn giáo hay truyền thống, thực hiện lối sống luân lý và đạo đức.
7.7. Chúng tôi tuyên bố rằng công cụ để thực hành Phật giáo ở tất cả các cấp độ, các cá nhân và tập thể, là không tách rời khỏi xã hội, trong đó trí tuệ từ việc thực hành giáo lý và thiền quán phải mang ý nghĩa cụ thể để giải quyết các tình huống đau khổ và bất công trong chính trị, môi trường, kinh tế và xã hội.
7.8. Chúng tôi khuyến khích việc mở rộng các tổ chức Phật giáo phi chính phủ, nhằm tích cực tham gia vào công tác cứu trợ thiên tai, an sinh xã hội và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Thực hiện ngày 10 tháng 5 năm 2014, tại Trung tâm Hội nghị Chùa Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam..