“Nhất cận thị, nhị cận giang” là tục ngữ lâu đời nói về việc chọn nơi sinh sống. Câu tục ngữ toàn chữ Hán nhưng lại thuần Việt ở vần điệu.
Thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông. Người Việt cho đến tận đầu thế kỷ này vẫn có 80% dân số làm nông nghiệp nhưng luôn ước ao chọn nơi sinh sống gần chợ và sông. Đây là nơi thuận tiện giao thương buôn bán. Số người phải ở bên cạnh ruộng đồng của mình chắc chắn nhiều hơn và không ngừng tìm kiếm cơ hội chuyển dời. Bởi thế, dọc theo các triền sông từ cửa biển lên thượng nguồn thường là nơi cư trú đông đảo hơn cả.
Hà Nội là nơi dòng sông Hồng chia thành hai nhánh ở ngay vùng đất Gia Lâm bên kia cầu Long Biên. Sông Đuống chảy bên trái và sông Hồng rẽ phải. Hai con sông lớn nhất Bắc bộ này làm nên một lưu vực trù phú khổng lồ. Sử sách chép lại rằng hệ thống đê điều mới được khởi công xây đắp kể từ khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Cũng từ đấy, làng mạc mới chia ra thành trong đê và ngoài đê. Và chỉ còn những ngôi làng ở ngoài đê mới được hưởng cái thuận lợi của “cận giang”. Nhưng cũng phải trả giá bằng lụt lội hàng năm.
Những bến sông Hà Nội suốt từ trên Đông Ngạc, Nhật Tân xuống đến vùng Lĩnh Nam, Yên Sở không thể kể hết. Làng nào cũng có một vài cho đến hàng chục bến. Gọi chung là cái bến cho giản tiện thôi nhưng mỗi bến lại có đặc thù riêng của mình. Bến tắm gia súc ở hạ lưu cuối làng. Ngược lên là bến tắm giặt cho người, bến rửa rau, vo gạo. Trên cùng là bến lấy nước. Thực ra là trên cùng so với làng mình nhưng lại ở hạ lưu của làng khác! Bến sông ở làng tự hình thành. Người ta chỉ đào đắp một con đường đất sơ sài dẫn xuống mép sông.
Cho đến tận giữa thế kỷ trước, vùng ngoài đê Hà Nội vẫn chưa có nước máy. Người ta ăn nước mưa và tắm giặt hoàn toàn trên sông. Làng nào cũng có bến đò ngang dù rằng cây cầu Long Biên đã hoàn thành từ đầu thế kỷ trước. Gánh gồng buôn bán đi đò ngang qua sông nhiều khi bớt được nửa đoạn đường so với đi qua cầu. Bến sông lớn nhất bờ Nam sông Hồng qua Hà Nội là bến Phà Đen có từ thời Pháp thuộc, sau trở thành cảng Hà Nội. Bến lớn thứ hai là Chương Dương nằm trong quận Hoàn Kiếm, bây giờ là cầu Chương Dương. Đây là bến sông buôn bán rất tấp nập. Hàng hóa được chuyển bằng đường sông xuôi ngược đổ vào Hà Nội là ở bến này. Xuôi về hạ lưu chút ít là bến Hàm Tử và những bến dùng riêng cho việc dỡ bè tre nứa gỗ lạt từ mạn ngược chạy về. Những bến này đất phù sa nhão nhoét tiện cho việc kéo gỗ lên bờ nhưng nguy hiểm với trẻ nhỏ và súc vật, rất dễ bị sa lầy ở đây.
Những năm đánh Mỹ, bến Chương Dương xây dựng đường dẫn cho phà Chương Dương hoạt động. Thời kỳ ác liệt, cầu phao Chương Dương được lắp ráp vào lúc chạng vạng chiều, năm giờ sáng lại tháo ra kéo giấu vào các xóm ven sông. Cầu phao Chương Dương tấp nập về đêm rất thân thuộc với lũ trẻ Hà Nội những năm sơ tán. Buổi tối chúng thường mượn xe đạp người lớn đi qua cầu, cứ bám theo những chiếc xe tải lặc lè làm trũng một đoạn cầu mà đi qua sông chẳng phải đạp chút nào.
Phía tả ngạn có bến thuyền làng Bát Tràng khá sầm uất. Người làng Bát Tràng, Giang Cao dù giàu có từ rất lâu nhưng vẫn chọn mảnh đất ngoài đê này để cư trú và sản xuất. Đơn giản vì vận chuyển nguyên vật liệu nặng nề và thành phẩm gốm sứ dễ vỡ chẳng có gì tốt bằng đường sông.
Vài chục năm nay, Hà Nội đổi thay thần tốc. Con sông Hồng khá cạn nên gần như khái niệm cư trú ngoài đê không còn tồn tại nữa, chẳng phải lo nước lụt làm gì. Phố xá mọc lên san sát ngoài ấy, nhà cao tầng và đường nhựa thẳng tắp, cư dân đông đảo đến mức ngày nào cũng tắc đường, nước máy và điện lưới y như trong phố. Ở đó cũng có trường học, bệnh viện, sân chơi thể thao và hàng quán còn nhộn nhịp hơn trong phố. Thế nhưng đã gần như không còn cái bến sông nào hoạt động nữa. Những chuyến đò ngang đã dừng hẳn từ cuối thế kỷ trước rồi. Nhà cửa phần lớn quay lưng ra dòng sông. Con người cũng thế. Không còn đám thanh niên tình tứ hò hẹn nhau ra bờ sông mỗi tối. Không còn đám trẻ nô đùa trên những bãi cát mạn chân cầu Long Biên. Bờ sông nham nhở cạp đất lấn chiếm. Rác rưởi ô nhiễm suốt dọc bờ sông, muốn tìm được con đường ra dọn dẹp cũng khó.
Người Hà Nội nhớ những bến sông của mình chỉ còn cách đến một nhà hàng nào đó sát bờ sông mà tư lự lục tìm trong ký ức. Nhớ nôn nao một tiếng gọi đò vang vọng trên bến đò Xù năm nào. Giờ thì ở đấy là lừng lững uy nghi cây cầu Nhật Tân hiện đại.
ĐỖ PHẤN