Từ năm 2006, ngành giáo dục đã nhận diện được và đã đặt vấn đề chống bệnh thành tích, thế nhưng hơn chục năm qua dường như “căn bệnh mãn tính” này không giảm được bao nhiêu.
Theo tôi, căn bệnh thành tích trong giáo dục xuất phát từ một số nguyên nhân chính yếu mà ai cũng dễ dàng nhận ra, đó là từ áp lực đạt trường chuẩn quốc gia. Muốn đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các trường phải đạt rất nhiều tiêu chí cụ thể được quy định bởi Bộ GD-ĐT. Ðiều đó dẫn đến áp lực rất lớn với các trường và đã xảy ra tình trạng bằng mọi giá phấn đấu đạt trường chuẩn. Hệ quả là nhiều trường được công nhận đạt chuẩn nhưng lại có lớp số học sinh/lớp học quá đông, chật chội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học. Rồi áp lực “giữ chuẩn” để không “rớt chuẩn”, từ đó tạo áp lực học tập, phấn đấu rất lớn lên học sinh và xảy ra tình trạng một số trường học ở nhiều nơi “học sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí không được phép lưu ban.
Bệnh thành tích trong giáo dục có căn nguyên sâu xa từ lối suy nghĩ “con gà tức nhau tiếng gáy”. Cho nên chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, họ lại đầu tư theo kiểu đi tắt, đón đầu. Giải gì cũng gửi học trò và giáo viên đi thi miễn có danh hiệu, đạt giải là vui . Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao, mang vinh dự cho trường, còn những môn khác thì học cho xong, không cần đầu tư thời gian công sức học tập.
Thành tích như là một thước đo cho trình độ của con người trên mọi lĩnh vực. Thế nhưng, vì nó là cái thước đo nên đã gây ra một mặt trái vô cùng nguy hiểm. Đó là vì thành tích mà các trường thi đua để đạt bằng mọi giá. Sự quá tải trong lao động nghề nghiệp, đặc biệt là cung cách quản lý, tạo ra nhiều sức ép, cộng với bệnh thành tích trong giáo dục như một “trường đua” đã trở thành nỗi sợ và nỗi ám ảnh của đại đa số giáo viên hiện nay. Cả hệ thống giáo dục hiện nay tựa như một hệ thống “trường đua” mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Áp lực thi đua làm người ta quan tâm đến những cái bên ngoài hơn là cái bên trong, cái cốt lõi dẫn đến đảo lộn những bậc thang giá trị như dạy chay, học vẹt, mua điểm, chạy trường, chạy bằng cấp...
Muốn xóa bỏ căn bệnh thành tích thì trước hết, chính ngành giáo dục phải thật sự quyết tâm và tìm ra giải pháp hữu hiệu. Nếu chỉ là chủ trương mà không có những hoạt động thực chất thì khó đạt được kết quả như mong muốn. Một trong những giải pháp cụ thể là cách thức tổ chức những phong trào thi đua, việc đánh giá trong ngành, trong nhà trường không chỉ là các con số vô hồn, không chỉ là đánh giá thi đua một cách đơn thuần mà phải chú ý đến hiệu quả của giáo dục, cả giáo dục văn hóa, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, của phong trào. Bên cạnh đó phải xem lại tổ chức hoạt động trong nhà trường.
Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn |