Phản hồi bài viết “Hãy trả em về đúng lớp”

LTS: Sau khi Báo SGGP (ngày 16-12) đăng bài “Hãy trả em về đúng lớp”, và đặc biệt khi SGGP online đăng các clip về khả năng đọc, viết của các em; ý kiến phụ huynh… bài viết đã được chia sẻ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến phản hồi, bình luận từ bạn đọc gửi về Báo SGGP. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
Bài nghe đọc và viết lại của em N.V.A. (học sinh lớp 3 tại quận 8)
Bài nghe đọc và viết lại của em N.V.A. (học sinh lớp 3 tại quận 8)

* Thầy Lê Vĩnh Phúc, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM:

Phản hồi bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” ảnh 1

Thông thường sau 3 tháng hè vui chơi, khi vào học trở lại, một số em lớp 3 đến lớp 5 sẽ quên một số kiến thức về âm vần. Những tuần đầu vào học trở lại, tôi cho các em đọc một đoạn văn, hoặc một bài thơ để biết các em đang quên âm vần nào, hướng dẫn các em ôn tập lại. 

Trong lớp 5 tôi đang giảng dạy, các em đọc viết tương đối tốt. Tuy nhiên, trước đây khi còn dạy ở Nhà Bè, tôi gặp một em lên lớp 5 nhưng vẫn gặp tình trạng khó đọc viết. Tìm hiểu thì biết nguyên nhân là do em gặp vấn đề khó nhận diện mặt chữ. Khi ở nhà, bố mẹ em cũng không quan tâm nhiều. 

Đối với những trường hợp này, nên cho các em đọc lại âm vần, chú ý phát âm; mỗi ngày khuyến khích đọc một ít để giúp các em vượt qua nỗi sợ đọc chữ. Thường khi đọc không tốt, các em rất e ngại việc đọc, do vậy mình phải thường xuyên khuyến khích động viên các em, đồng thời nhắc nhở các em khác trong lớp không nên trêu chọc khi bạn đọc sai.

Mỗi học sinh đều có thế mạnh, điểm yếu khác nhau, là giáo viên chủ nhiệm cũng giống như cha mẹ, thấy các em khiếm khuyết chỗ nào thì mình cố gắng giúp các em khắc phục để các em ngày một tốt hơn. 

* Anh MAI VĂN CƯỜNG, phụ huynh ở quận 1, TPHCM: 

Phản hồi bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” ảnh 2

Tôi muốn thế hệ con mình phải đi lên bằng năng lực chứ không phải bằng thành tích. Quan điểm của tôi là sẽ chấp nhận cho con mình học lại. Hồi bé, con tôi học mẫu giáo cũng đã được làm quen sơ qua môn tiếng Việt, nên cơ bản, cháu không gặp vấn đề gì về đọc, viết. Những trường nào có tình trạng học sinh đọc yếu như vậy, nên điều chỉnh lại phương pháp giáo dục, chứ để vậy thì thế hệ con cháu mình sau này sẽ không 
phát triển được.

* Chị NGÔ THỊ NGỌC LINH, phụ huynh ở quận 8, TPHCM:

Phản hồi bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” ảnh 3
Cháu nhà tôi học lớp 3 và đã đọc được cả truyện luôn rồi. Cha mẹ theo sát con trong quá trình học mà thấy con mình đọc không tốt, nên hỗ trợ cháu ngay từ lúc đó, chứ không chờ tới cuối năm học, khi thấy kết quả học tập của cháu yếu mới đưa ra quyết định học lại một năm nữa, hay nhờ nhà trường tư vấn. Trách nhiệm của việc “ngồi nhầm lớp” là ở nhà trường lẫn cả phụ huynh. 

* Chị NGUYỄN THỊ NGỌC TRINH, phụ huynh ở quận 10, TPHCM: 

Phản hồi bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” ảnh 4

Với con tôi, ngoài giờ học trên lớp, khi về nhà phụ huynh luôn nhắc nhở, kèm cặp, vì cháu đang ở tuổi còn ham chơi. Cháu đang học lớp 3, về cơ bản đọc, viết đã ổn. Theo tôi, học sinh nào đọc yếu thì phải đưa vào ngồi bàn đầu để thầy cô kèm cặp. Tệ quá thì phải cho ở lại lớp, chứ để lên lớp thì cũng không thể theo kịp chương trình. Trường hợp ngồi “nhầm lớp” như báo đã nêu, nên để các em ở lại thêm một năm nữa cho chắc hơn.

Từ đề xuất của bạn đọc, Báo SGGP online mở Diễn đàn “Chống bệnh thành tích trong giáo dục”. Rất mong nhận được bài viết, ý kiến của bạn đọc ở mọi miền đất nước. 

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục