Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp ông Vũ Đình Quân, Tổng Giám đốc BenThanh Tourist về chiến lược hợp tác, phát triển du lịch trong thời gian tới nhằm thu hút lượng du khách kiều bào tiềm năng tại Australia.
Ông Vũ Đình Quân (ảnh trái) ký kết hợp tác với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia ngày 27-6
* Thưa ông, chiến lược hợp tác lần này sẽ mang lại những lợi ích gì cho cả hai bên?
- Ông VŨ ĐÌNH QUÂN: Chúng tôi cam kết xúc tiến đẩy mạnh hợp tác giữa BenThanh Tourist và VBAA trên nhiều lĩnh vực quan trọng như thương mại, du lịch và đầu tư. Theo đó, cả hai cùng nỗ lực đem lại những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư và phát triển thị trường tại Việt Nam và Australia. Thêm nữa, cả hai cũng cam kết hợp tác xây dựng các sản phẩm dịch vụ chung như: thiết kế các chương trình du lịch, tổ chức hội thảo, hội nghị, đầu tư, kinh doanh… nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của doanh nghiệp tại cả hai quốc gia. Lễ ký kết được kỳ vọng tạo nên bước ngoặt lớn trong việc tiếp cận thị trường mới cũng như mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh và phát triển cho các doanh nghiệp thành viên; đồng thời đây cũng còn là cột mốc quan trọng đánh dấu mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa BenThanh Tourist và VBAA, tạo tiền đề để các bên khai thác thế mạnh của nhau, phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh ngày càng bền chặt.
* Trước đó, BenThanh Tourist có triển khai những hoạt động gì liên quan đến kinh doanh, du lịch tại Australia, thưa ông?
- Trước khi ký kết, chúng tôi chủ yếu đưa khách đi tham quan các điểm vui chơi, cảnh đẹp, công trình kiến trúc tại Australia là chính, nhưng sau lễ ký kết này, chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai các hoạt động tìm cơ hội kinh doanh kết hợp thăm quê hương của bà con Việt kiều. Thống kê sơ bộ từ Sở Du lịch TPHCM cho thấy, trong năm 2016 vừa qua, TP đón khoảng 230.000 lượt du khách Australia đến TP. Rõ ràng, đây là con số rất tiềm năng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến du lịch hai chiều. Cụ thể, một chiều sẽ đưa khách từ Việt Nam sang Australia tham quan, tìm cơ hội đầu tư và ngược lại, chúng tôi sẽ đưa khách, đặc biệt là Việt kiều (khoảng trên 300.000 bà con kiều bào sinh sống bên Australia) về thăm quê hương đồng thời giúp họ đẩy mạnh tìm cơ hội kinh doanh.
* Chúng tôi được biết, sáng cùng ngày, BenThanh Tourist đã có dịp trao đổi về chiến lược phát triển du lịch với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Ông đã có những kiến nghị gì tại cuộc họp này?
- Sáng 27-6, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia đã đăng ký cho BenThanh Tourist được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. Trong buổi gặp gỡ, trao đổi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đánh giá cao cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp, trong đó có ngành du lịch. Tại cuộc gặp, BenThanh Tourist đã trao đổi, góp ý thẳng thắn về việc làm sao để ngành du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, thu hút lượng lớn du khách từ các thị trường như châu Úc, châu Âu… tới Việt Nam. Từ đó góp phần quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Thực sự, hiện nay nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú vẫn chưa được ngành du lịch khai thác hiệu quả, do thiếu sự đồng bộ (truyền thông, quảng bá, bắt tay cùng phối hợp giữa các sở, ngành…). Nhân sự kiện gặp gỡ này, chúng tôi đã đề đạt một số ý kiến như: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần là đầu tàu thúc đẩy sự kết nối, hợp tác trong lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá; giúp tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hay hơn nữa... Ở góc độ doanh nghiệp, BenThanh Tourist tiếp tục xúc tiến, tìm kiếm, gắn kết các thị trường trong nước cũng như quốc tế. Cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lần này tạo động lực lớn cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh và phát triển.
* Theo ông, ngành du lịch Việt Nam cần làm gì để thu hút du khách?
- Trên thực tế, suốt thời gian qua, chúng tôi cũng đã hiến kế khá nhiều cho sự phát triển của ngành du lịch TPHCM nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng chính là sự kết nối, đồng bộ… Chẳng hạn như hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), điểm đến Sa Pa (Lào Cai) là một minh chứng. Với Sơn Đoòng, một trong những hang động kỳ vĩ nhất thế giới, đã và đang bị con người can thiệp mạnh bạo như lắp thang, khoan vào thạch nhũ… nhằm phục vụ cho công tác khai thác du lịch. Tương tự, điểm đến Sa Pa (Lào Cai) cũng đang xô bồ hơn vì nạn kinh doanh chèo kéo du khách của người dân địa phương. Lúc đầu chưa có đường cao tốc, khu vực này còn hoang sơ, đẹp đẽ khiến du khách cảm thấy rất thích thú vì họ có những trải nghiệm ấn tượng. Thế nhưng, từ khi đường cao tốc đi vào hoạt động, bắt đầu người dân đổ xô kinh doanh tự phát, có hiện tượng chèo kéo du khách, mất trật tự tại Sapa. Do vậy, du khách chỉ đến một lần rồi có thể “lặn mất tăm” vì họ thấy mệt mỏi, lo sợ… Nên chăng địa phương cần đẩy mạnh công tác quản lý, định hướng giúp người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, có trách nhiệm. Vấn đề đặt ra là vấn đề quản lý để du khách yên tâm đến vui chơi, ngoạn cảnh. Thêm nữa, ngành du lịch một số tỉnh nên học những tỉnh đã khai thác du lịch thành công, ví dụ như Hội An (Quảng Nam) là một dẫn chứng sinh động. Ở đây, người dân và chính quyền đã phối hợp rất tốt để cùng khai thác du lịch. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch cộng đồng. Địa phương này khiến du khách cảm thấy yên tâm, muốn đến vui chơi nhiều lần. Những doanh nghiệp làm du lịch cũng cảm thấy hài lòng (đảm bảo an ninh trật tự, người dân vui tươi, thân thiện…) khi đưa các đoàn khách đến Hội An.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!