Theo CNN, hội đồng thành phố thông qua một dự luật cấm bán các sản phẩm có hơn 5g đường hoặc 250mg natri trên các lối đi dẫn ra quầy thanh toán. Đồ uống có nhiều đường và chất làm ngọt nhân tạo cũng sẽ bị hạn chế. Thay vào đó sẽ là các mặt hàng như kẹo cao su và kẹo bạc hà không đường, trái cây, rau, quả hạch, hạt, các loại đậu, sữa chua và ngũ cốc nguyên hạt.
Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới 25 siêu thị lớn ở thành phố được mệnh danh là thành phố đại học với khoảng 120.000 dân. Dự luật được dư luận đánh giá là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Theo giới chuyên môn, sắc lệnh này là nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường thực phẩm lành mạnh cũng như hỗ trợ các gia đình bằng cách cung cấp cho họ khả năng tránh thực phẩm và đồ uống có hàm lượng calo cao, ít chất dinh dưỡng khi đi mua sắm. Thông qua phương án thay đổi cách sắp xếp, bài trí sản phẩm, người mua sắm và nhất là trẻ em sẽ hạn chế đối mặt với những thực phẩm có đường kém lành mạnh trong lúc xếp hàng chờ tính tiền trong các siêu thị.
Đây không phải là lần đầu Berkeley tiên phong có các sáng kiến vì sức khỏe cộng đồng. Tháng 11-2014, chính quyền thành phố đã áp thuế đối với nước giải khát có đường, đánh dấu loại thuế đầu tiên ở Mỹ trong khía cạnh này dành cho đồ uống và đã được một số thành phố lớn khác trong nước áp dụng theo. Lệnh cấm sau đó đã chứng minh được hiệu quả. Theo một nghiên cứu của Đại học California Berkeley, 3 năm sau, người dân ở “các khu dân cư đa dạng và có thu nhập thấp” cho biết, họ đã uống ít hơn 52% đồ uống có đường so với trước khi thuế được thông qua.