“Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) TP 6 tháng đầu năm 2010 có nhiều chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá; việc chăm lo đời sống nhân dân được quan tâm; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...” - Bí thư Thành ủy TPHCM LÊ THANH HẢI phát biểu kết thúc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 22 diễn ra vào ngày 29-6.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài thông báo với Hội nghị Thành ủy TPHCM: Tốc độ tăng trưởng GDP là 11% đã tương đương với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính kinh tế 2 năm 2006 - 2007 và cao hơn 6 tháng đầu năm 2009 4,6% và cả năm 2009 là 8,5%.
“Rõ ràng việc tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua đã và đang phát huy tác dụng. Điều này cũng cho thấy tiềm lực kinh tế TP còn rất lớn, nguồn lực trong dân rất dồi dào, đó là điều kiện để TP tạo sức bật và tiếp tục có những bước phát triển mới trong thời gian tới” - đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh. Nhưng khi kinh tế TP tăng trưởng cao thì chỉ số giá cả cũng tăng theo. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước (tháng 5 tăng 0,48%; tháng 4 tăng 0,23%) và tăng 9,55% so với 6 tháng năm 2009 (cùng kỳ tăng 4,55%).
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài, bình quân mỗi tháng giá cả tăng 0,8% - mức này cao hơn năm 2009, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và tương ứng với tốc độ tăng trưởng. Đáng chú ý là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (loại trừ yếu tố biến động giá) tăng tới 21,3% (cùng kỳ tăng 6,7%). Điều này có được là do TP triển khai thực hiện tốt chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đi đôi với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.
Phân tích sâu kết quả này, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng, vấn đề mấu chốt là TPHCM đã phát triển và mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ (nhất là bán lẻ) đều khắp ở các địa phương với 92 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, qua đó làm cho nhu cầu mua sắm của nhân dân tại các siêu thị và trung tâm thương mại tăng 40% so với cùng kỳ.
Kiềm chế lạm phát, lo vốn cho doanh nghiệp
Về một số công tác trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2010, đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu rà soát lại 22 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu mà TP phấn đấu thực hiện trong năm 2010, trong đó lưu ý những chỉ tiêu đạt dưới 50% như xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ xử lý nước thải y tế; xử lý chất thải rắn y tế; thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại…
Đồng cảm với nỗi lo của doanh nghiệp về vốn vay sản xuất kinh doanh, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu UBND TP cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng tìm giải pháp giảm lãi suất cho vay, bởi hiện nay lãi suất ở mức 12% vẫn còn quá cao, nhất là doanh nghiệp “vừa và nhỏ”. Các bên cần tìm được lời giải cho bài toán hóc búa giữa lãi suất, tăng trưởng và lạm phát. Bởi nếu dùng chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất xuống mức như mong muốn thì ngân hàng phải “bơm” vào nền kinh tế một lượng tiền lưu thông khá lớn, nhưng điều này lại đẩy “quả bom” lạm phát bùng nổ.
Đồng chí cho rằng, đã có dự báo giá cả sắp tới tăng gần 10%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến bảo đảm an sinh xã hội và đặc biệt là niềm tin của nhân dân TP. “Lạm phát cao sẽ làm giảm sức mua của người dân trước hết là bà con nghèo, làm tăng bất bình đẳng về thu nhập, làm phân hóa giàu nghèo mạnh hơn và gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng” - Bí thư Thành ủy cảnh báo. Do vậy, đồng chí tán thành các giải pháp của UBND TP: tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH…
Đồng chí thông cảm với nhân dân “chưa năm nào điện bị cắt liên tục như năm nay” trong khi kinh tế TP vừa mới ổn định trở lại, nhu cầu về điện rất cao. Chính gì vậy, bên cạnh các giải pháp chủ động ưu tiên phân phối điện cho sản xuất, bệnh viện, trường học, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiết kiệm điện, giảm tải bớt những thiết bị không cần thiết.
“Hôm rồi đi kiểm tra, tôi thấy nhiều tuyến đường dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè xong nền đất lâu rồi nhưng vỉa hè chưa lát gạch, cây xanh chưa trồng. Tôi đề nghị UBND TP bố trí ngay vốn triển khai sớm công việc này. Khi con đường ven kênh hình thành, nó không chỉ tạo cảnh quan đô thị, môi trường xanh sạch, thông thoáng và giúp mọi người đi lại thuận tiện mà còn giúp người dân có thêm niềm phấn khởi, tự hào về một TP văn minh, sạch đẹp” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải kết luận.
Tuấn Sơn