“Đối với TP chúng ta, đặt mục tiêu tăng GDP 10% trong năm 2012 sẽ là thách thức lớn, nhưng vẫn phải tiếp tục phấn đấu từ nay đến cuối năm với các biện pháp quyết liệt, có hiệu quả nhằm phục hồi nhanh tốc độ tăng trưởng, tạo tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2013”, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 vào sáng 4-7.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhận định: Trong 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế TPHCM đang phục hồi tốc độ tăng trưởng với những diễn biến tích cực. Sau 16 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ mà trọng tâm là chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách thắt chặt đầu tư công đã mang lại những kết quả rõ nét. Ví dụ, lạm phát đã được ngăn chặn; tốc độ GDP bình quân 6 tháng đầu năm tăng 8,1%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 22,3% (cả nước tăng 21,6%).
TPHCM có nhiệm vụ hàng đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh, chủ động hơn nữa trong phối hợp với các bộ ngành TƯ để tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế cho các đối tượng ưu đãi. “Không để DN nào do thiếu vốn lưu động phải ngưng hay kéo giảm mức sản xuất trong khi có thị trường tiêu thụ; không để dừng dự án mở rộng sản xuất kinh doanh do thiếu nguồn tín dụng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế TP trong các năm sau” - đồng chí Lê Thanh Hải nói.
Không chấp nhận tình trạng nhiều ngân hàng thừa tiền nhưng DN thiếu vốn kinh doanh, đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu cần sớm “giải quyết có kết quả tình trạng này”. Trong đó, cần hỗ trợ tín dụng cho việc làm ấm dần thị trường bất động sản đối với các sản phẩm đang có sức mua. TP sẽ “rút hầu bao” hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường xuất khẩu truyền thống, xúc tiến thị trường nội địa bằng nhiều hình thức. “Các cơ quan hành chính có liên quan phải đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn từ khâu tín dụng đến thị trường đầu ra của sản phẩm” - đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Người dân nghèo hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng đồng bộ
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ và 10 nội dung cần tập trung thực hiện trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, nhiệm vụ đã rõ, còn lại là triển khai thực hiện.
Để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong khi TP hiện chỉ có 3 nguồn vốn: ngân sách, quỹ đất đô thị và xã hội hóa là không đủ, Bí thư Thành ủy cho rằng: “Song song với việc xây dựng kế hoạch và dự án triển khai, cần đầu tư nghiên cứu để kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành các chính sách. Ví dụ, nội dung của mô hình công tư đối tác (PPP) cần được thể chế hóa để bảo đảm yếu tố pháp lý trong thu hút đầu tư tư nhân”. Nhấn mạnh thêm về các giải pháp huy động vốn, đồng chí Lê Thanh Hải cho rằng TPHCM đang có nhiều lợi thế, cần được tận dụng tối đa. Bởi các nguyên nhân: TPHCM là địa phương có nhiều nguồn lực; được ưu tiên cơ chế quy định trong Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị; kết luận của Hội nghị TƯ 5 tháo gỡ thêm một số chính sách về đất đai… Đồng chí yêu cầu, việc xây dựng kế hoạch và dự án đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn TPHCM phải đảm bảo 3 nguyên tắc: bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư; phục vụ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, bố trí lại dân cư và mở rộng đô thị theo quy hoạch; phải gắn với phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng đô thị TPHCM.
“Mục tiêu của việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, xây dựng và phát triển TP theo hướng văn minh, hiện đại, còn phải làm sao tạo điều kiện để các tầng lớp dân cư nghèo, người thu nhập thấp được hưởng thành quả của đầu tư, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ phúc lợi xã hội giữa các tầng lớp dân cư” - Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Hồng Hiệp
| |
|