Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Muốn chống bạo loạn, cái gốc là an dân”

“Một điều rất rõ ràng là để phòng chống biểu tình, bạo loạn thì cái gốc là an dân, hiểu được dân, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, làm cho người dân không có nhu cầu biểu tình”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X.

 Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X khai mạc vào sáng 4-7. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X khai mạc vào sáng 4-7. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo kế hoạch, hội nghị diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6-7. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị.

7 chương trình đột phá gặp 3 vướng mắc lớn

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, một trong những kết quả nổi bật của TP trong 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là TPHCM duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Mức tăng trưởng của TP năm sau cao hơn năm trước, như năm 2016 đạt 8,05%, năm 2017 đạt 8,25% (năm 2018 ước tăng 8,35%) bình quân 8,2%/năm, gấp khoảng 1,3 lần so với cả nước.

Cùng với đó, kinh tế TP phát triển theo chiều sâu. Cụ thể, năm 2016 có 70% tăng GRDP là do tăng năng suất, 29% nhờ tăng số lượng lao động. Đến năm 2017 tăng năng suất đóng góp 84% và số lượng lao động đóng góp 15% vào tăng GRDP.

“TPHCM cũng giữ vững vai trò trung tâm tài chính của cả nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và dẫn chứng, huy động vốn của năm 2016 tăng 13% và năm 2017 tăng 12,8%.

Tương tự, trong các lĩnh vực khác như quy hoạch đô thị, chỉnh trang đô thị, văn hóa, giáo dục, y tế… TP cũng đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến một số hạn chế cần được quan tâm, thảo luận giải pháp giải quyết. Đó là chỉ số cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu và đứng hàng thứ 5 của cả nước. Mặc dù có mức tăng trưởng kinh tế cao song tỷ lệ xuất khẩu của TPHCM so với cả nước vẫn thấp, như năm 2015 đạt 16,8% thì đến nay vẫn như vậy. TPHCM không tăng được tỷ lệ xuất khẩu so với cả nước trong những năm qua và mức hiện nay lại thấp hơn nhiều so với năm 2011 (trên 40%).

Đề cập đến kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì nổi bật 3 hạn chế. Đó là thiếu vốn, giải phóng mặt bằng chậm và trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, trách nhiệm người dân cùng tham gia vẫn chưa được đảm bảo.

Phân tích sâu hơn về hạn chế thứ 3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng về kết quả xử lý tình trạng lấn chiếm cống thoát nước, cửa xả trong thời gian qua đạt kết quả rất thấp. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ có 59 cửa xả, 75 địa điểm cống thoát nước và 398 vị trí cống thoát nước bị lấn chiếm nhưng đến nay vẫn còn 48 cửa xả, 361 vị trí cống thoát nước bị lấn chiếm chưa giải quyết xong. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý và đánh giá, với kết quả hạn chế nêu trên cho thấy trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, trách nhiệm người dân cùng tham gia còn nhiều điều đáng bàn.

Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu thảo luận sâu để triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn 7 chương trình đột phá. Một trong những gợi ý được nêu rõ là cần sự thay đổi mang tính đột phá trong phương thức tổ chức triển khai các chương trình.

Ví dụ, vấn đề ngập nước liên quan đến xây dựng, nông nghiệp, giao thông, quy hoạch… nên phải có một tổ chức gồm nhiều sở - ngành đảm nhiệm và một Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về ngập nước có thể sắp xếp lại, điều chuyển từ Sở GTVT qua Sở Xây dựng cho phù hợp với quy định và thực tế.

Cùng với đó, để từng chương trình có hiệu quả cao, có tính đột phá thì phải ứng dụng công nghệ mới, năng suất và hiệu quả tăng mạnh. Ví dụ, lâu nay TP ưu tiêu vào các giải pháp cứng giải quyết ùn tắc giao thông như xây cầu, làm đường thì nay cần bổ sung các giải pháp mềm như điều tiết, bố trí giao thông thông minh thông qua ứng dụng công nghệ mới.

“TPHCM có cơ chế động viên cán bộ, công chức làm việc hiệu quả thông qua chính sách tăng thêm thu nhập. Vì vậy, trong quý 3-2018, TP phải áp dụng cơ chế này, tạo sự thay đổi đột phá trong việc triển khai các chương trình đột phá”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích, để thực hiện 7 chương trình đột phá cần nguồn vốn rất lớn. Do đó, TP phải xem xét, ưu tiên tập trung vốn vào các chương trình trọng điểm và có thể kết thúc được trong nhiệm kỳ cũng như thực hiện xã hội hóa một cách quyết liệt.

Song song đó, là giải pháp nâng cao vai trò của người dân tham gia vào các chương trình đột phá. “Muốn không ngập nước, tắc kênh rạch thì phải vận động người dân không xả rác”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu dẫn chứng.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đến nay, ngoài 7 chương trình đột phá, TP đã triển khai 3 nhóm giải pháp: Triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”; Đề án xây dựng trở thành TP thông minh; xem xét lại quy hoạch TP xây dựng khu vực phía Đông khu đô thị sáng tạo.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Muốn chống bạo loạn, cái gốc là an dân” ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

An dân để ổn định xã hội

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông báo, TP vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với sự tham dự của khoảng 2.700 cán bộ chủ chốt ở phường - xã của toàn TP để sơ kết 1 tháng làm nhiệm vụ đặc biệt là phòng và chống biểu tình, bạo loạn.

“Qua sơ kết cho một điều rất rõ ràng là để phòng chống biểu tình, bạo loạn thì cái gốc là an dân, hiểu được dân, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, làm cho người dân không có nhu cầu biểu tình”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đúc kết.

Cũng chính vì sự quan trọng này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Hội nghị lần này sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều chuyên đề về công tác xây dựng đảng.

Trước tiên là báo cáo chuyên đề khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để TPHCM phát triển trong giai đoạn 2018-2020.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là chuyên đề có ý nghĩa chiến lược. Bởi vì muốn phát triển TP thì phải phát huy cho được nguồn lực quan trọng mà TP có nhiều nhất cả nước, đó là 10 triệu dân, 5 triệu lao động.

Trong đó, con số 5 triệu lao động là nhiều nhất cả nước nhưng phát huy chưa tốt. Vì vậy, TP phải xây dựng chính sách phát huy sáng tạo của 5 triệu lao động này nhằm tạo đột phá cho TP.

Để thực hiện, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu hệ thống lại những bài học sáng tạo của TPHCM từ năm 1975 đến nay; đồng thời tập hợp sáng tạo của thế giới để học hỏi kinh nghiệm. Thông qua đó, khơi dậy sự sáng tạo của mỗi công dân TP, mỗi cán bộ công chức, mỗi kỹ sư, mỗi doanh nghiệp… để trở thành một giải pháp đặc thù của TP phát huy sáng tạo để phát triển kinh tế.

“Truyền thông phải mạnh, phải có các giải thưởng, các cuộc thi về sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Nhiện Nhân gợi ý giải pháp cụ thể.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: “Muốn chống bạo loạn, cái gốc là an dân” ảnh 3 Các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận xét, TP có trên 10 triệu dân, đa dạng về dân cư, giao lưu quốc tế mạnh mẽ. Do đó, TP phải có hệ thống thu nhập, đánh giá tình hình nhân dân một cách đầy đủ, chặt chẽ làm cơ sở cho công tác truyền thông, công tác dự báo và các công tác khác. Đối với công tác này cần phải xây dựng một quy trình mới đảm bảo việc đánh giá, dự báo tình hình nhân dân sát hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hội nghị cũng sẽ xem xét báo cáo chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chuyên đề này cần được thảo luận sâu, đưa ra các giải pháp đảm bảo tạo chuyển biến tích cực về sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, toàn hệ thống chính trị để người dân chuyển biến theo và tạo nền tảng thực hiện nhiệm vụ chính trị sắp tới.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt vấn đề trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TP có nhiều tiến bộ nhưng chúng ta hài lòng chưa? Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, công tác này được đẩy mạnh ra sao, việc phân cấp gắn với công tác quy hoạch cán bộ như thế nào?

Cùng với đó, hội nghị lần này sẽ thảo luận báo cáo về kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí giữa nhiệm kỳ và bài học; chuyên đề về bố trí lại cán bộ khi người đứng đầu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu và có các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Các báo cáo chuyên đề này là những nội dung quan trọng gắn liền với Nghị quyết Trung ương.

Chuyển công tác cán bộ lãnh đạo có nhiều dư luận 

Trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, trong nửa đầu nhiệm kỳ, TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. TP cũng phát huy tốt vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Qua đó nhiều chủ trương, nghị quyết đã sớm đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, nền nếp, chất lượng sinh hoạt của một số tổ chức cơ sở đảng, chi bộ còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân trong lãnh đạo, định hướng nhân dân và cán bộ, đảng viên. Công tác tự phê bình và phê bình, tiếp thu phê bình, đấu tranh xây dựng nội bộ chưa thật sự mạnh dạn, thẳng thắn. Việc đánh giá cán bộ hàng năm chưa sát, chưa đúng với năng lực, sở trường, phẩm chất. Kết quả tinh giản biên chế cũng chưa đảm bảo yêu cầu. Đồng thời, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự chủ chốt còn chậm…
Đồng chí Võ Thị Dung chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế, chủ yếu do cấp ủy và lãnh đạo đơn vị nhận thức chưa đầy đủ và quyết tâm chưa cao, còn ngại khó. “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn xa dân”, đồng chí Võ Thị Dung nhìn nhận và phân tích việc này dẫn đến tình trạng quan liêu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Qua đó, Phó Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân hơn. TP cũng cần làm tốt công tác nắm bắt dư luận, tâm trạng xã hội và nội bộ cán bộ, đảng viên, kịp thời xử lý các điểm “nóng”, các vấn đề phức tạp, nhạy cảm. 
Trong thời gian tới, TP tập trung phát động phong trào thi đua sáng tạo, tạo cảm hứng mạnh mẽ trong toàn Đảng, hệ thống chính trị nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng sâu rộng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển TP. TPHCM cũng cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết gắn với các giải pháp mới để triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá và Nghị quyết 54 của Quốc hội đạt hiệu quả. Trọng tâm là việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và thực hiện chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), thực hiện cơ chế chính quyền và cấp ủy các cấp về xử lý cán bộ, công chức và tổ chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, vi phạm pháp luật và chức trách công vụ qua xem xét thông tin từ 4 nguồn (ý kiến cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo và từ báo chí - PV). Đồng thời xây dựng quy trình xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín thấp, phương pháp công tác không phù hợp.

Tin cùng chuyên mục