Biến bãi rác thành vườn rau sạch

Những khu đất rộng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét vuông nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng bị bỏ hoang nhiều năm, thì nay đã trở thành vườn rau thủy canh xanh mướt.
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Bình
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Bình

Cơ duyên

Mọi người tỏ ra ngạc nhiên khi biết “cha đẻ” của những vườn rau thủy canh này là anh Lê Thanh Bình. Bởi anh vốn là một kỹ sư xây dựng, quê ở tận Quảng Ngãi nhưng lại chọn cho mình hướng đi riêng từ cây rau và ở một nơi xa lạ. Anh trải lòng: “Học kỹ sư ra trường, trải qua nhiều công việc liên quan đến chuyên môn. Thế nhưng, trong tôi lúc nào cũng đam mê nghề trồng trọt, nhất là các loại rau xanh dùng trong bữa ăn gia đình. Vào giữa năm 2000 khi công ty gặp khó khăn, tôi quyết định chuyển hướng làm ăn nhằm thực hiện đam mê của mình”. 

Năm 2011, anh tự bỏ tiền túi lặn lội qua vùng Osaka, mới hay nơi đây “nở rộ” những vườn rau thủy canh. Anh quyết định ở lại cả tháng trời để tìm hiểu về hạt giống, cách trồng và chăm sóc rau thủy canh. Trong những năm 2012 đến 2015 anh làm thử nghiệm rau thủy canh tại Quảng Ngãi nhưng không thành công như mong đợi, bởi mô hình quá mới mẻ, đầu ra còn đang thăm dò, việc di chuyển rau thủy canh từ nơi trồng đến nơi tiêu thụ đòi hỏi phải bảo đảm nhiệt độ luôn ở mức từ 15-20°C, nên phải đầu tư trang thiết bị vận chuyển rất tốn kém. Chi phí lớn dẫn đến giá thành cây rau thủy canh cao hơn các loại rau trồng theo kiểu truyền thống nên không thể cạnh tranh.

Trong lúc “bế tắc”, anh chợt nhớ đến Đà Nẵng. Bởi anh có duyên với vùng đất này từ năm 2014, khi dàn khoan Hải Dương 981 làm “dậy sóng” biển Đông. Cũng như bao người con của đất Việt, anh đã góp một phần nhỏ bé để động viên bà con ngư dân yên tâm, vươn khơi bám biển trong những ngày “dầu sôi, lửa bỏng” bằng việc trao tặng hơn ngàn lá cờ Tổ quốc và một ngàn chiếc ky nhựa đựng cá cho bàn con ngư dân phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng). Lý do thứ 2 để anh chọn Đà Nẵng triển khai mô hình rau thủy canh là mức sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Thị trường vì thế cũng đầy tiềm năng, đầu ra cho sản phẩm ổn định. 

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là mặt bằng. Anh Bình chọn Đà Nẵng bởi qua tìm hiểu anh biết hiện ở ngay giữa trung tâm thành phố có nhiều khu đất bỏ hoang do dự án chậm triển khai. Những khu đất này trở thành bãi tập kết rác, ô nhiễm, gây mất mỹ quan đô thị. Việc xin phép xây dựng những vườn rau thủy canh chắc sẽ được chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất. Đây cũng là điều kiện hết sức thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm làm ra vì không phải vận chuyển nhiều.

Thành công bước đầu

Với chủ trương kiên quyết xóa các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, khi anh Bình lên trình bày ý tưởng và xin thuê khu đất vốn là điểm tập kết rác gần chục năm qua để xây dựng vườn rau thủy canh, chính quyền phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã đồng ý ngay. “Mô hình này quá hay. Chúng tôi tạo điều kiện hết sức có thể để anh Bình làm, kể cả không thu tiền thuê đất. Bởi đây vốn là bãi tập kết rác, nhếch nhác, ô nhiễm lắm. Còn nếu phường đứng ra dọn dẹp thì không có kinh phí. Chưa kể vườn rau của anh Bình đã giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định đối với một số hộ nghèo tại địa phương”, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết.

Trên lô đất rộng 600m² nằm trên đường Đinh Công Trứ (phường Thọ Quang), anh Lê Thanh Bình đã bắt tay thực hiện mô hình của mình. Mất hơn nửa tháng thuê người dọn dẹp cỏ rác, xà bần; đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống ống nuôi cây, phun sương… vườn rau sạch của anh đã thành hình hài. Anh Bình vui vẻ nói: “Những ngày bắt đầu xuống giống, sản xuất rau thành phẩm tôi lo đến mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm đúc kết qua những lần thất bại trước nên ngay lứa rau đầu tiên đã thành công. Ngày mở bán những cây rau đầu tiên tại nhà vườn đã thu hút hàng trăm người dân. Hàng trăm kg rau chỉ bán vèo trong 2 tiếng đồng hồ”.

Ngoài vườn rau ở phường Thọ Quang, anh Bình còn đang triển khai thêm các vườn rau khác ở gần khu du lịch Bà Nà (200m²), khu vực quận Ngũ Hành Sơn (400m²) và một khu ở xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam). Hiện tại, vườn rau thủy canh của Bình cung cấp ra thị trường 6 loại rau sạch: cải bó xôi, xà lách roman, xà lách muir, xà lách tím búp, xà lách tím matal, rau muống.

Với thành công từ mô hình ở phường Thọ Quang, mới đây nhất, anh Bình đã làm đơn xin thuê khu đất 4.000m² bỏ hoang ở phường Nại Hiên Đông (cũng nằm trên địa bàn quận Sơn Trà) để tiếp tục đầu tư và đã được UBND phường đồng ý. Với diện tích đó, anh Bình cho hay ngoài việc xây dựng vườn ươm, trồng rau thủy canh, anh còn dành không gian cho các em học sinh trên địa bàn quận tham quan, dã ngoại; thực nghiệm các phương pháp trồng rau thủy canh.

Mặc dù đã có những thành công ban đầu, đạt được niềm đâm mê của mình, nhưng anh Bình vẫn đau đáu nỗi lo. Đó là tính ổn định của các khu đất mà anh xin thuê làm vườn rau không đảm bảo. Bởi một khi đã bỏ tiền tỷ đầu tư mà các khu đất thì do các doanh nghiệp hay cá nhân nào đó làm chủ và họ có thể đòi lại bất cứ lúc nào thì không yên tâm. Vì vậy, anh mong muốn thành phố và quận có cơ chế, chính sách phù hợp để không chỉ anh mà nhiều người khác có ý định tận dụng những bãi rác để trồng rau sạch mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. Từ đó, góp phần giải quyết những điểm đen về ô nhiễm, tạo ra sản phẩm rau sạch, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tin cùng chuyên mục