Theo chuyên gia Gaurav Sant, Giám đốc Viện Quản lý carbon (ICM) thuộc UCLA, ý tưởng của nhóm nghiên cứu là biến đại dương thành một miếng bọt biển lớn để hấp thụ CO2.
Nhóm nghiên cứu UCLA tập trung tìm cách tăng khả năng hấp thụ CO2 của các đại dương bằng cách sử dụng quy trình điện hóa học để loại bỏ lượng khí CO2 đã tích tụ trong nước biển từ trước.
Với ý tưởng này, các kỹ sư đã xây dựng một nhà máy nổi trên một chiếc sà lan dài 30m. Nước biển được bơm vào trong nhà máy và được tích điện.
Tiếp đó, các phản ứng hóa học được kích hoạt bởi quá trình điện phân chuyển đổi CO2 hòa tan trong nước biển thành một loại bột trắng mịn chứa canxi carbonat (CaCO3) - hợp chất có trong đá phấn, đá vôi và vỏ hàu hoặc hến.
Chuyên gia Gaurav Sant giải thích rằng, loại bột này có thể được đưa trở lại đại dương, nơi nó vẫn tồn tại ở dạng rắn và lưu giữ CO2 hàng chục ngàn năm. Sau đó, nước được bơm trở lại biển, sẵn sàng hấp thụ thêm CO2 từ khí quyển. Một lợi ích khác của quá trình này là sẽ tạo ra hydro như một sản phẩm phụ để cung cấp năng lượng cho ô tô, xe tải và máy bay sạch trong tương lai.