
Ngày 2-6, Bộ Ngoại giao Nhật Bản một lần nữa khẳng định lại lời hứa mà Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đưa ra tại Cuộc họp thượng đỉnh Á – Phi (tổ chức ở Indonesia, hôm 22-4) là Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho châu Phi trong 3 năm tới.

Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi.
Nguồn vốn ODA của Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng giúp cho nhiều nước châu Á tăng trưởng kinh tế. Nhật Bản hy vọng châu Phi sẽ đạt được những kỳ tích kinh tế tương tự như những nước châu Á mà Nhật Bản giúp đỡ.
Cùng lúc với thông báo tăng gấp đôi viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho châu Phi, chính phủ Nhật Bản hồi tháng 5 cũng thông báo tăng ODA cho một loạt các nước Đông Nam Á. Tại Cuộc họp thượng đỉnh Á – Phi vừa qua, Thủ tướng Koizumi cũng đã thông báo tăng đóng góp cho các quỹ phát triển ASEAN.
Cùng với việc giúp đỡ các nước Á, Phi về mặt kinh tế, Nhật Bản cũng đưa ra nhiều sáng kiến thành lập Hiệp hội thanh niên quốc tế Á-Phi, trong đó thanh niên Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á sẽ hợp tác giúp đỡ các quốc gia châu Phi trong kỹ thuật phát triển và nông nghiệp.
Với những hoạt động này, chính phủ Nhật Bản mong muốn tạo cầu nối để các nước Á – Phi tăng cường đối thoại, giao lưu hợp tác và phát triển.
Với câu nói: “Năm nay là năm của châu Phi” và việc làm thiết thực với lời hứa tăng viện trợ phát triển, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã tham gia cùng Thủ tướng Anh Tony Blair trong chiến dịch kêu gọi các nước G8 tăng gấp đôi viện trợ nhân đạo và phát triển cho châu Phi – một sáng kiến quan trọng dự định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay (họp tại Scotland vào tháng 7).
Bình luận về sự kiện này, tờ International Herald Tribune (IHT - Mỹ) và nhiều tờ báo khác của Mỹ chê bai rằng thực chất đằng sau những hoạt động tăng cường giúp đỡ các nước Á, Phi là mong muốn tìm sự ủng hộ của các nước này trong kế hoạch tìm một ghế trong HĐBA LHQ cho Nhật Bản.
IHT còn khích bác rằng với việc ủng hộ Anh tăng viện trợ cho châu Phi, Nhật Bản đã dũng cảm có “một bước xung đột hiếm hoi với Mỹ – một đồng minh thân cận”. Bởi vì cho đến ngày 1-6, Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn một mực bác bỏ sáng kiến “tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi” của Anh mà ngay từ đầu chính quyền Mỹ đã phản ứng lạnh nhạt.
Dư luận đặt câu hỏi, có phải trong khi Nhật Bản bằng việc làm cụ thể giúp châu Phi giảm đói nghèo, thì Mỹ muốn biện minh cho hành động lảng tránh trách nhiệm của mình bằng cách chê bai hành động của Nhật?
Hoài Anh